Dòng sự kiện:
Xét xử đại án Việt Á: Những chuyến bay mang triệu USD cho cựu phó phòng
03/01/2024 20:45:29
Sau khi nhận được lời đề nghị "giúp đỡ sếp" của Nguyễn Huỳnh - cựu Phó phòng Giá Cục Quản lý Dược, Chủ tịch Việt Á đã gom hàng triệu USD bay ra Hà Nội để đưa tiền.

Chiều ngày 3/1, phiên toà sơ thẩm xét xử đại án Việt Á bước vào phiên xét hỏi, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) là người đầu tiên bước lên bục khai báo.

HĐXX tập trung vào các khoản tiền "lót tay" hay "hoa hồng" mà Việt đã chi cho các cá nhân tại Bộ KH&CN, Bộ Y tế và một số tỉnh thành.

Tại toà, Phan Quốc Việt cho biết, các khoản tiền chuyển cho Nguyễn Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ; Nguyễn Huỳnh, cựu Phó phòng Giá Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế... đều không có thoả thuận gì trước.

Quang cảnh phiên toà (ảnh TTXVN).

Các khoản tiền đều được chuyển để cảm ơn vì các bị cáo đều rất tận tình giúp đỡ, nên sau khi được thanh toán các hợp đồng sản xuất, bán kít test Việt Á dùng để cảm ơn.

Từ ngày 14/2/2020 Việt Á đã sản xuất được kít test theo quy trình của Học viện Quân Y nhưng đến tháng 12/2020 mới được cấp phép. Việt cho biết, sở dĩ thời gian lâu, bởi, thời điểm đó các cá nhân, tổ chức đều rất thận trọng trước dịch Covid-19 hoàn toàn mới.

Bản thân Việt nhờ bị cáo Huỳnh tác động giúp việc cấp phép được tiến hành nhanh hơn nhưng không rõ Huỳnh tác động thế nào chỉ biết rằng Huynh rất nhiệt tình. Hơn nữa, Việt quen biết Nguyễn Huỳnh từ năm 2017, hai người có quan hệ thân thiết ngoài công việc.

Sau khi được Huỳnh giúp đỡ, Việt có nhận được điện thoại của Huỳnh nói: “Huỳnh gọi điện và nói sếp anh đang cần một số tiền, hỗ trợ sếp anh, chứ không nói cụ thể bao nhiêu”.

HĐXX nói: “Lúc đó bị cáo nói là 1 triệu được không? Và cuối cùng chuyển hơn 2 triệu USD và 4 tỷ đồng cho Huỳnh”.

Việt xác nhận đúng là số tiền trên, nhưng số tiền này Huỳnh không dùng hết mà chuyển lại cho Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế). Việt cũng khai, số tiền lúc đó rất lớn nên bản thân phải vay mượn của bạn bè, người thân.

Sau khi vay tiền VNĐ, Việt giao nhân viên quy đổi ra USD rồi nhiều lần bay từ Tp. HCM ra Hà Nội giao cho Huỳnh. “Lúc đó vẫn chưa cấm bay nên bị cao chỉ di chuyển bằng máy bay”, Việt khai.

Tại CDC hải Dương, Việt cũng khai nhận, đã chuyển 27 tỷ đồng cho ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC tỉnh này, dù hai bên trước đó không có thoả thuận gì.

Việt khai, bản thân nghĩ lúc đó Hải Dương đang rất cần mình nên cử nhân viên đến đó hơn 30 ngày tham gia chống dịch và nhận được giúp đỡ rất nhiều. Khi được thanh toán hợp đồng, chỉ gửi lại cảm ơn.

“Nếu là đưa hối lộ thì bị cáo biết là sai nhưng chỉ nghĩ là là chia sẻ lợi nhuận, như thế là không sai. Nếu nghĩ là đưa hối lộ bị cáo đã không chuyển khoản (chuyển khoản lưu vết – PV)”, Việt nói tiếp.

HĐXX đang tiếp tục làm rõ các thoả thuận, chuyển tiền giữa Việt với các cá nhân liên quan.

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, bị cáo Phan Quốc Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên phạt 25 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vai trò của vợ bị cáo Phan Quốc Việt

Công ty Việt Á có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sở hữu vốn điều lệ. Trong đó, Phan Quốc Việt sở hữu 47,25% vốn điều lệ; Hồ Thị Thanh Thủy (vợ của bị cáo Việt) sở hữu 24%.

Theo cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương, sau khi được Bộ KH&CN giao đề tài, trên cơ sở tham khảo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới công bố, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y đã nghiên cứu để tối ưu hóa, đến ngày 9/2/2020 bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT- PCR sử dụng gene đích là P và E và real- time RT-PCR sử dụng gene đích là P phát hiện vi rút SARS- CoV- 2 trong phòng thí nghiệm.

Ngày 10/2/2020, ông Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, HVQY) đã ký biên bản bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real- time RT-PCR với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của Đề tài nhưng không có nội dung chi tiết về công thức mồi và mẫu dò (dựa trên quy trình này không đủ điều kiện để sản xuất 20.000 test thử nghiệm).

Khoảng cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020, bà Hồ Thị Thanh Thủy (Phó TGĐ Công ty Việt Á) đã nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu do Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và một số nước khác công bố trên mạng Internet và xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gene đích là N phát hiện vi rút SARS- CoV- 2.

Ngày 7/2/2020, bà Thủy đã nghiên cứu xong quy trình (thành phần tạo nên kit gồm 11 hóa chất) và đặt hàng mua các hóa chất để sản xuất kit phát hiện vi rút SARS- CoV- 2. Khoảng giữa tháng 2/2020, ông Việt đã chỉ đạo vợ mang các bộ kit ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.

Ngày 21/2/2020, ông Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt thống nhất cho chạy thử bộ sinh phẩm do nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y chế tạo và bộ sinh phẩm do Công ty Việt Á mang đến trên máy real- time tại labo phòng thí nghiệm của HVQY. Kết quả, bộ kit do Công ty Việt Á đưa đến có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm của Học viện.

Tháng 3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài của Bộ KH&CN đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu, nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit của Công ty Việt Á cung cấp và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch.

Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) đều biết rõ kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu Nhà nước nhưng do có thỏa thuận và nhận tiền (tổng số tiền 350.000 USD) từ Chủ tịch Việt Á nên bị cáo Hùng đã giúp Công ty Việt Á được tham gia phối hợp nghiên cứu, kiểm định, nghiệm thu và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành rồi sản xuất, bán thương mại test xét nghiệm.

Việc này đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước, thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.

Ông Hùng thậm chí còn cố ý không tham mưu, thực hiện đúng trách nhiệm chủ sở hữu Nhà nước đối với sản phẩm của đề tài, xâm hại quyền sở hữu, quản lý tài sản của Nhà nước do Bộ KH&CN là đại diện Chủ sở hữu, giúp Công ty Việt Á bán thương mại trái phép, gây thiệt hại số tiền hơn 1.235 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, hành vi của bị cáo Việt gây thiệt hại số tiền hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.

Đối với hành vi sai phạm của ông Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt gây thất thoát 18,98 tỷ đồng tiền Ngân sách chi cho nghiên cứu đề tài.

Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến