Dòng sự kiện:
Xét xử vụ Tân Hoàng Minh: Vừa gửi tiền hôm trước, hôm sau Chủ tịch bị bắt
19/03/2024 11:35:42
Nhiều bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh cho biết, họ đã giấu người nhà đầu tư vào Tân Hoàng Minh, có trường hợp chưa kịp lấy hợp đồng thì bố con ông Dũng bị bắt.

Giấu người nhà để đầu tư

Sáng 19/3, thông tin từ TAND Tp.Hà Nội cho biết có gần 1.000/6630 bị hại trong vụ án tại Tân Hoàng Minh có mặt theo dõi phiên toà.

Ghi nhận của Người Đưa Tin, bị hại trong vụ án gồm đủ lứa tuổi, họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Khuôn mặt mỗi người đều thể hiện rõ sự lo âu, căng thẳng. Rất nhiều người khi được phỏng vấn đã từ chối trả lời. Họ cho biết, chỉ mong sau khi kết thúc phiên toà sẽ lấy lại khoản tiền đầu tư.

Sau một hồi gặng hỏi, bà H. (một trong những bị hại) kể, năm 2022 bà biết đến và đầu tư vào Tân Hoàng Minh thông qua quảng cáo trên rầm rộ của tập đoàn này trên mạng xã hội. “Tôi thấy đây là tập đoàn lớn, trước nay họ không có điều tiếng gì nên đã tin tưởng đầu tư”, bà H. nói và cho biết đã đầu tư vào đó số tiền lớn, là khoản mà bà đã tích góp dành cho tuổi nghỉ hưu.

Có 987 bị hại trong vụ án có mặt tại toà.

Do đó, khi Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt giữ, bà H. đã phải “âm thầm chịu đựng nỗi lo” mà không dám kể với bất kỳ ai trong gia đình. “Tôi sợ mọi người lo lắng, cuộc sống gia đình sẽ đảo lộn”, bà H. ngậm ngùi kể.

Nhà đầu tư này cũng cho hay, thời điểm đó Tân Hoàng Minh huy động vốn tới 12% nhưng bà gửi ngắn hạn nên chỉ được 8%.

“Do có việc dùng đến nên tôi đã rút 1 khoản trước, hiện vẫn còn 1 tỷ đồng. Trong nhóm bạn của tôi cũng có rất nhiều người gửi tiền mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh, nhưng nhiều người tuổi cao, sức yếu nên phải uỷ thác cho con đi đòi tiền”, bà H. nói thêm.

Bà cũng cho biết, một số lần làm việc với Đỗ Hoàng Việt - con trai ông Dũng cho thấy họ cũng rất muốn trả cho nhà đầu tư, nếu thu xếp được họ sẽ trả ngay.

“Chúng tôi rất mong muốn sau khi kết thúc phiên toà sẽ được trả lại tiền, nhiều người trong số chúng tôi đã già yếu, nếu không có khoản tiền đó thì không bết trông cậy vào đâu”, một bị hại khác cho hay.

Chưa kịp lấy hợp đồng thì bố con ông Dũng bị bắt

Giống trường hợp bà H., bà Hương (hơn 62 tuổi, ở Thái Bình) cũng giấu chồng con mang tiền đi mua trái phiếu. Bà Hương cho biết, một số người bạn đã “thuyết phục” bà đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh vì có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng.

“Tôi đã rút 500 triệu đồng tiền tiết kiệm ra đầu tư và chưa lấy được đồng tiền lãi nào. Tôi không nghĩ mình bị lừa như vậy”, bà Hương xót xa nói và cho biết, một mình bà đã bắt xe từ quê lên Hà Nội và ở nhờ nhà người thân để dự phiên toà từ chiều qua (18/3).

Không có người trông con, chị Mai (40 tuổi) phải ôm theo con trai 2 tuổi từ Nghệ An ra Hà Nội để tham dự phiên tòa. Chị Mai có bạn thân làm trong Công ty Tân Hoàng Minh nên đã nhờ chị mua trái phiếu để lấy doanh số. Do tin tưởng bạn nên chị đã rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng để mua trái phiếu kỳ hạn một tháng.

“Tôi vừa mới gửi tiền hôm trước thì hôm sau bố con Tân Hoàng Minh bị bắt. Tôi còn chưa kịp lấy hợp đồng chứng từ nên còn không biết lãi suất là bao nhiêu”, chị Mai nói.

Đỗ Anh Dũng bị dẫn giải tới toà sáng 19/3.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, để giải quyết vấn đề khó khăn tài chính, chi phí duy trì bộ máy, hoạt động kinh doanh, thanh toán các khoản nợ của tập đoàn. Trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 Công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền.

Tài liệu điều tra cho thấy, các gói trái phiếu đều được tạo lập bằng hồ sơ gian dối, không có việc sử dụng tiền trái phiếu để đầu tư vào các dự án như thông tin công bố. Trước mỗi đợt thanh toán tiền, số tiền trong tài khoản của Tân Hoàng Minh chỉ dao động từ gần 40 - 200 tỷ đồng. Số tiền này được rút, nộp vào tài khoản của 3 công ty trên dưới danh nghĩa thanh toán tiền mua trái phiếu (vòng 1).

Sau đó, dòng tiền được chuyển tiếp sang tài khoản cá nhân hoặc Tân Hoàng Minh theo đúng mục đích, phương án phát hành (vòng 2). Cuối cùng, tiền chuyển ngược về tài khoản của Tân Hoàng Minh (vòng cuối) để lặp lại vòng 1. Cứ như vậy, số tiền được quay vòng đến khi đủ giá trị các gói trái phiếu.

Tin tưởng vào danh tiếng lâu năm của Tân Hoàng Minh, hàng nghìn nhà đầu tư ký hợp đồng để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu trên.

Viện KSND Tối cao xác định, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thu về gần 14.000 tỷ đồng. Số tiền này được Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng số tiền này để trả nợ, mua cổ phần, chi tiêu cá nhân… không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu. Trong đó, hơn 5.100 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư sau được dùng để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.

Hậu quả, 6.630 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng.

Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến