Dòng sự kiện:
Xin giãn, hoãn các đợt thoái vốn 'khủng'
07/08/2019 08:04:26
Do có nhiều vấn đề phức tạp nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất xin giãn, hoãn tiến độ thoái vốn, hoặc tái cấu trúc theo cách khác đối với ACV, Vietnam Airlines, Petrolimex.

ACV nhùng nhằng quyền tài sản

Theo quy định tại Quyết định số 1232/QÐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) sẽ thực hiện thoái 20% vốn nhà nước năm 2018 và 10,04% năm 2020.

Ngày 15/3/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 638/VPCP-ÐMDN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông Vận tải, Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước cụ thể tại ACV, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho rằng, ACV đang quản lý các cảng hàng không, sân bay có vị trí, vai trò quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong cả nước. Hiện ACV có một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết như cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay, quyết toán vốn nhà nước sau khi chuyển sang công ty cổ phần (ACV được cổ phần hóa năm 2015 và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016, với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần). Do đó, việc giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại tổng công ty này cần cân nhắc thận trọng và xử lý dứt điểm những khó khắn, vướng mắc nêu trên.

Vấn đề lớn nhất là quyền liên quan đến các tài sản của ACV. Theo quy định, khu bay là tài sản của Nhà nước, nên sau khi ACV cổ phần hóa, khu bay được chuyển về Bộ Giao thông Vân tải làm đại diện chủ sở hữu nhà nước và quyết định việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; doanh nghiệp chỉ được tạm giao quản lý, khai thác.

Ðể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay, khu bay cần được đầu tư để nâng cấp, sửa chữa thường xuyên với giá trị đầu tư lớn, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về tài sản công, ACV không được đầu tư vốn để hình thành tài sản công, do đó Tổng công ty gặp khó khăn trong việc đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa khu bay, trong khi vẫn được coi là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm an toàn bay.

ACV đang chờ Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành Ðề án quản lý, khai thác tài sản khu bay để giải quyết vướng mắc này.

Với hạ tầng cảng hàng không trong tình trạng quá tải như hiện nay, nhiều nhà đầu tư cho rằng, ACV có thể mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 64, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, doanh nghiệp cảng hàng không có quyền và nghĩa vụ lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với việc khai thác cảng hàng không, sân bay, nhưng Luật chưa quy định rõ quyền được đầu tư, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay của doanh nghiệp cảng.

Trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định doanh nghiệp cảng được quyền đầu tư cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với việc khai thác cảng hàng không, sân bay. Ðồng thời, cơ quan này đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về chủ trương thoái vốn nhà nước tại ACV; trường hợp tiếp tục thực hiện thoái vốn thì cho phép điều chỉnh tiến độ phù hợp với tình hình thực tế.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu ACV gần đây dao động xung quanh 83.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,3 lần mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên (21/11/2016) và gấp 2,4 lần mức giá đóng cửa phiên chào sàn. Với quy mô vốn điều lệ lớn, các đợt thoái vốn nhà nước tại ACV được nhận định sẽ là “bom tấn” trên thị trường.

Vietnam Airlines: Xin thoái vốn theo cách khác

Theo Quyết định số 1232/QÐ-TTg, Vietnam Airlines nằm trong danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước đến năm 2019, với tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái 35,16% để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines nếu thoái vốn theo cách thông thường sẽ không thể tăng thêm, mà chỉ dừng lại ở mức hiện tại là 14.183 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NÐ-CP ngày 8/3/2018, Nhà nước không đầu tư để duy trì tỷ lệ sở hữu trong lĩnh vực vận chuyển hàng không. Giai đoạn 2019 - 2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư phát triển đội bay, đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh của Vietnam Airlines rất lớn, quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines cần phải tăng lên 1,7 lần so với hiện tại.

Bởi vậy, Ủy ban vốn nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cho phép chủ trương khác với Quyết định 1232 là giảm vốn nhà nước tại Vietnam Airlines theo hình thức kết hợp giữa thoái vốn, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vietnam Airlines đưa cổ phiếu HVN lên giao dịch trên thị trường UPCoM từ đầu năm 2017, sau đó chuyển sang niêm yết trên HOSE từ tháng 5/2019. Cổ phiếu HVN gần đây được giao dịch trên ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư chôn vốn với Vinalines

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 5/9/2018, nhưng chỉ bán được 1,1% lượng cổ phần chào bán là 34,8% vốn. Vinalines có vốn điều lệ 14.046 tỷ đồng.

Căn cứ quy định tại Ðiều 41, Nghị định 126/2017/NÐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, Vinalines phải tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Vậy nhưng, cho đến nay, Vinalines chưa đủ điều kiện để tổ chức đại hội.

Do không bán hết cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinalines phải điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ (theo quy định tại Khoản 1 và 4, Ðiều 37, Nghị định 126/2017/NÐ-CP).

Tuy nhiên, Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa không quy định rõ việc xác định số cổ phần bán được thuộc phần vốn phát hành thêm hay thuộc phần vốn nhà nước. Ngày 11/6/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2018/TT-BTC, trong đó quy định rõ số cổ phần bán được trong trường hợp của Vinalines thuộc phần vốn phát hành thêm.

Ðến ngày 29/7/2019, Thông tư 34/2019/TT-BTC mới có hiệu lực, khi đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới có cơ sở ban hành quyết định điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ để Vinalines tổ chức Ðại hội đồng cổ đông lần đầu.

Do đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất, Chính phủ, Thủ tướng xem xét cho phép Vinalines lùi thời gian tổ chức Ðại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp muộn hơn so với quy định tại Nghị định 126/2017/NÐ-CP.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến