Dòng sự kiện:
Xóa bỏ tình trạng '5 không' trong đời sống công nhân
25/05/2018 20:40:01
Có đại biểu Quốc hội đưa ý kiến, nhiều công nhân trong tình trạng 5 không: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.

Trong phiên thảo luận chiều ngày 25/5, nói về đời sống văn hóa của công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, những khó khăn về văn hóa, tinh thần của công nhân và người lao động ở những khu công nghiệp hiện nay rất đáng lo ngại.

Dẫn chứng được đưa ra là, theo thống kê, cả nước có khoảng 4 triệu công nhân đang làm việc tại hơn 300 khu công nghiệp. Dự báo sẽ còn tăng nhanh theo sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế. Trái lại, mức độ thụ hưởng về văn hóa của công nhân còn quá hạn chế.

Đại biểu cho biết, mặc dù Thủ tướng và các cơ quan của Chính phủ có quan tâm vấn đề này nhưng vẫn tồn tại nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp và đời sống công nhân, trong đó có đời sống văn hóa, tinh thần.

Cụ thể, cả nước hiện nay chỉ có 3 nhà văn hóa công nhân ở khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc, Hà Nam và Bình Dương, nhưng cũng chưa thực sự thu hút công nhân đến tham gia.

Chưa kể đến, đa số công nhân tại các khu công nghiệp là trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Có ý kiến nhận xét rằng nhiều người trong số họ trong tình trạng 5 không: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.

Đại biểu cho rằng, đời sống vật chất khó khăn, cường độ lao động cao khiến mức thụ hưởng văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể, phần lớn không được tiếp cận thường xuyên và đầy đủ thông tin về chính trị, xã hội, chính sách, pháp luật, quy định quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến mình. Chính vì thế nên có nhiều tranh chấp và xung đột lao động tăng lên, cùng với đó là xu hướng gia tăng tệ nạn xã hội ở khu vực này.

Từ đó, đại biểu quốc hội đưa ra thực trạng, các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp khi xin giấy phép đều cam kết bảo đảm đời sống tinh thần cho công nhân nhưng chỉ là hình thức, hầu như không tổ chức gì ngoài vài ba cuộc gặp định kỳ trong năm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà roát chính sách hợp lý để tăng cường mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn hoạt động của tổ chức công đoàn và cơ sở, đảm bảo công đoàn tại các khu công nghiệp đủ mạnh để thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Ngoài ra, nhà nước cần quy định cụ thể, mạnh hơn, mục đích nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng về quyền lời trong công việc của công nhân. Đó là tham gia hoạt động về văn hóa, thể dục và thể thao; quyền tiếp cận thông tin giải trí và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí và hoạt động xã hội. Các quyền này phải được quy định cụ thể, bảo đảm thực hiện đầy đủ trên thực tế, có sự kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành.

Thêm nữa, đại biểu cũng đề nghị phải tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân.

Khi lương và thu nhập đủ sống, công nhân mới nghĩ đến việc thụ hưởng văn hóa, giải trí để tái tạo sức lạo động. Khi chất lượng cuộc sống và văn hóa tinh thần đủ đối với công nhân, thì hiệu quả lao động sẽ tăng cao hơn, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và xã hội. Điều này có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động nhằm phát triển KT-XH của đất nước nhanh và bền vững, đảm bảo chỉ tiêu kinh tế, phát triển KT-XH mà chúng ta đã đề ra ở năm 2018 và trong những năm tiếp theo, và cũng đúng theo tinh thần các nghị quyết của Đảng: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển".

Tường Vy (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến