Dòng sự kiện:
Xoá khoảng trống pháp lý để xoá nợ thuế
03/09/2019 14:02:44
Nghị quyết về xử lý nợ thuế được kì vọng sẽ tháo được 'nút thắt' này của ngành Thuế, đảm bảo công tác thu ngân sách và quản lý nợ được hiệu quả.

Cơ quan Thuế đang mất nhiều thời gian và nhân lực cho việc quản lý đối tượng nợ thuế không có khả năng thu hồi.

Nợ thuế tăng do tăng tiền chậm nộp

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31/12/2018, số nợ đọng thuế đã lên tới 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ (31/12/2017). Trong đó, nợ không khả năng thu hồi là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền nợ thuế.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo thống kê hiện nay có 2.635 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự có số nợ thuế 460 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng). Có tới 24.113 doanh nghiệp đã tự giải thể nhưng không làm thủ tục giải thể theo quy định với số tiền nợ đọng 2.072 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp lên tới 869 tỷ đồng). Ngoài ra, có 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 158 tỷ đồng). Đáng chú ý, có tới 731.696 người nộp thuế (trong đó gồm: 197.336 doanh nghiệp, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 9.360 tỷ đồng).

Thống kê của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, hiện có 229 người nộp thuế với số tiền thuế nợ là 1.487 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 852 tỷ đồng). Những đối tượng này trong quá trình sản xuất kinh doanh bị thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc gặp trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Mặc dù người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do gặp khó khăn khách quan, người nộp thuế vẫn còn nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, không có khả năng nộp ngân sách nhà nước. Cũng có tới 430 người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh số tiền thuế nợ là 986 tỷ đồng (trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 481 tỷ đồng).

Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội (đơn vị đang có số nợ thuế thuộc "top” đứng đầu cả nước), số nợ khó thu tăng một phần do tăng nợ gốc, do phát sinh mới các trường hợp người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không khai báo với cơ quan Thuế. Nhóm nợ khó thu chủ yếu thuộc trường hợp người nộp thuế không còn hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan Thuế (chiếm tới 85% tổng số nợ khó thu). Đồng thời, số nợ khó thu tăng cao chủ yếu do tăng tiền chậm nộp. Theo tính toán, tốc độ tăng nợ gốc là 129%, trong khi đó tốc độ tăng tiền chậm nộp là 260%. Nguyên nhân là chủ yếu do Luật Quản lý thuế hiện hành quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Ông Mai Sơn lấy ví dụ, riêng tiền chậm nộp của nhóm khó thu tại Cục Thuế Hà Nội bình quân mỗi năm phát sinh gần 500 tỷ đồng, lũy kế đến 31/7/2019 số nợ tiền chậm nộp của nhóm nợ khó thu đã lên tới 3.399 tỷ đồng.

”Dù là rất cần thiết nhưng quy định tính tiền chậm nộp trên cả nhóm nợ khó thu đã khiến số nợ tiền chậm nộp ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nợ qua các năm”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khẳng định.

Gây khó cho công tác quản lý

Những năm qua, không thể phủ nhận ngành Thuế đã nỗ lực không ngừng nghỉ để quản lý nợ, kìm hãm nợ thuế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khiến nợ thuế không có khả năng thu ngày một cao. Thực chất, số nợ khó thu ngày càng tăng đã kìm hãm tốc độ giảm tổng nợ của cơ quan Thuế vì về bản chất, cơ quan Thuế không thể thu hồi được các khoản nợ này nhưng số liệu nợ của các đối tượng này theo quy định của cơ quan Thuế vẫn phải theo dõi, vẫn phải tính tiền chậm nộp. Việc này khiến cơ quan Thuế mất rất nhiều thời gian, công sức và làm mất cân đối cơ cấu thu ngân sách của ngành Thuế.

Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP HCM cũng phản ánh, điều kiện đăng ký kinh doanh dễ dàng đang là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp được thành lập không phải để kinh doanh mà phục vụ các mục đích khác. Thậm chí, nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp để tạo điều kiện cho con đi du học nước ngoài. Bên cạnh đó, một số đơn vị gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao, có thời điểm lên trên 20% khiến số lượng doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh rất lớn. Riêng TP HCM đã có tới 233.000 trường hợp như vậy. Đây là những khoản nợ do lịch sử để lại qua nhiều năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý.

Ông Mai Sơn khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là vô cùng cần thiết bởi sẽ tạo cơ chế để xử lý các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm nhưng thực tế không có khả năng thu hồi mà hiện tại cơ quan Thuế các cấp vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn nhân lực.

“Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng nợ khó thu (điều 83, điều 85, điều 59). Tuy nhiên, Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, không cho áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020. Do đó, việc ban hành Nghị quyết xử lý các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 là cần thiết, đảm bảo giải quyết đồng bộ, triệt để với các khoản nợ không còn khả năng thu hồi”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ thuế (bản mới nhất) gồm 8 điều, quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành (1/7/2020).

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết đề xuất khoanh nợ và chỉ xóa tiền phạt chậm nộp, tiền nộp thuế đối với 7 nhóm đối tượng (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…).

Để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện, thất thoát ngân sách, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ về nguyên tắc xóa nợ, thẩm quyền xóa nợ thuế, quy định về điều kiện xử lý nợ đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ. Theo dự thảo, nếu được thông qua, Nghị quyết dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong 3 năm.

Bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội:

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước kết hợp với Luật Quản lý thuế năm 2019 sẽ tạo thành một chỉnh thể thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp. Việc nghị quyết chỉ cho phép khoanh nợ và vẫn quản lý nợ gốc đã đảm bảo chặt chẽ, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp lợi dụng bỏ địa chỉ đăng ký với cơ quan Thuế và chuyển sang địa điểm kinh doanh khác. Đồng thời, hạn chế các khoản nợ phạt chậm nộp tiền thuế ngày càng phình to, tạo gánh nặng cho cơ quan Thuế.

Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020 trong khi Luật Quản lý thuế năm 2019 lại có hiệu lực từ 1/7/2020 như vậy sẽ có khoảng trống pháp lý. Do đó, ban soạn thảo cần có phương án xử lý tương đồng để tránh lợi dụng. Riêng đối với các khoản nợ liên quan đến đất, cần xem xét không khoanh nợ.

Ông Mai Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng - đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng:

Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có những quy định về xóa nợ thuế nhưng không cho phép hồi tố, nên vẫn có khoảng trống pháp luật về thuế. Do đó, việc ban hành Nghị quyết để xử lý các khoản nợ thuế không thể thu vào ngân sách là rất đúng, trúng và cần thiết. Tuy nhiên, phải gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với các trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng không theo dõi quản lý, gây thất thu ngân sách.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến