Dòng sự kiện:
Xoá nợ thuế: Xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ
10/03/2019 08:01:52
Mặc dù tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng, số nợ đọng thuế vẫn còn cao do có sự 'đóng góp' không nhỏ của nhóm tiền thuế không còn khả năng thu hồi.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết về xoá nợ thuế lại tiếp tục được đưa ra để lấy ý kiến với dự kiến xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế.

 

Nghị quyết về xoá nợ thuế lại tiếp tục được đưa ra để lấy ý kiến với dự kiến xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế.

Gánh nặng nợ thuế

Theo thống kê của cơ quan Thuế, nhờ những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, số thu nợ đọng thuế đã tăng dần qua các năm. Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dẫn chứng: “Bình quân từ 2011 - 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi; tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%”.

Số thu nợ tăng, nhưng nợ đọng thuế vẫn tiếp tục là “gánh nặng” của ngành Thuế bởi tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, chỉ giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016.

Trong đó số nợ do cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi chiếm 31.469 tỷ đồng); nợ do cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng (số nợ không có khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng).

Theo lý giải của ông Phi Vân Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số nợ không có khả năng thu hồi chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nợ. Đầu tiên, một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng số nợ đọng. Thứ hai, có tới 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng; có 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng; có hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng.

Hiện nay, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. Dù quy định này là chế tài xử lý cần thiết nhưng do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng qua thời gian. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, tổng số tiền chậm nộp lên đến 12.273 tỷ đồng trên sổ sách kế toán của cơ quan thuế, song thực tế không có khả năng thu hồi.

”Luật Quản lý thuế được xây dựng cách đây 10 năm, đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên các trường hợp xử lý xóa nợ đọng thuế chưa bao quát hết tình hình thực tiễn do nhiều nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh thực tiễn công tác quản lý thuế”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.

Không làm ảnh hưởng tới thu, chi ngân sách

Trên cơ sở các trường hợp dự kiến được xóa nợ theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước. Việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu sẽ giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách; đồng thời, làm minh bạch số liệu, dữ liệu tiền nợ thuế và phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc ban hành nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật thuế và các luật quản lý thuế, dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách thuế, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, hiệu quả về giải quyết nợ thuế tồn đọng.

“Một nghị quyết về vấn đề này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về pháp luật quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng để xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng; xử lý tiền nợ thuế lâu năm không có khả năng thu, do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật hay người nộp thuế đã ngừng kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Hải nhận định.

Góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết, bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi nhiều năm đang gây khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, cần sớm thực hiện xoá nợ, một mặt để giảm gánh nặng cho ngân sách, mặt khác giúp cơ quan quản lý thuế có thể tập trung vào những nhiệm vụ khác thay vì mất thời gian vì những khoản thuế không đòi được.

Xoá nợ thuế có thể nói là một việc làm khá “nhạy cảm”. Nếu được thông qua, việc thực hiện nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc, do đó yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc thực hiện xử lý nợ công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đảm bảo tính nghiêm minh và không để thất thu ngân sách nhà nước.

Mặt khác, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ để đảm bảo công tác xóa nợ được minh bạch, công khai và công bằng. Hơn nữa, cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện, vì đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách.

Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về xoá nợ thuế:

Chính phủ đã tổ chức xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau đó, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ có Tờ trình số 597/TTr-CP ngày 20/12/2018 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết.

Ngày 29/1/2019, Tổng thư ký Quốc hội có công văn 2623/TTKQH-PL về việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2019, đồng thời cho ý kiến về nội dung để Chính phủ tiếp thu hoàn chỉnh trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến