Nhiều thay đổi
Vào cuối tuần trước, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án cổ phần hóa (CPH) công ty mẹ - Vinalines. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua và lần thứ ba tính từ năm 2014, phương án CPH Công ty mẹ được HĐTV Tổng công ty trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tính đến quý I/2018, Vinalines sở hữu đội tàu biển gồm 92 chiếc, với tổng trọng tải 1,8 triệu DWT. Ảnh: Đ.T
Theo phương án mới nhất (phương án tháng 3/2018) được xây dựng theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, hình thức CPH công ty mẹ - Vinalines sẽ là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Sau khi hoàn tất quá trình CPH, Vinalines sẽ có vốn điều lệ là 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946 tỷ đồng (theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016) và giá trị phần vốn phát hành thêm là 2.100 tỷ đồng (nhu cầu bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh; đầu tư và tái cơ cấu tài chính). Với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, tổng số lượng cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines là 1.405.605.800 cổ phần.
So với phương án CPH trình Bộ GTVT vào cuối tháng 12/2017 được xây dựng theo Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (phương án tháng 12/2017), quy mô vốn điều lệ của Vinalines tại phương án tháng 3/2018 đã tăng thêm 130 tỷ đồng.
Tại Văn bản số 658/TTr-HHVN, do Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn ký gửi Bộ GTVT, Vinalines muốn Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207.896.970 cổ phần, tương đương 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên là 2.293.900 cổ phần, tương đương 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,04% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Vinalines muốn đem bán đấu giá công khai 280.921.160 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ phần bán đấu giá này tăng gấp 5 lần so với phương án tháng 12/2017 (4,84%), dẫn tới tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược giảm tương ứng từ 30% xuống còn 14,8%.
Mặc dù vậy, nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu khoảng 34,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lớn nhất Việt Nam này.
Tính đến quý I/2018, ngoài việc sở hữu đội tàu biển gồm 92 chiếc, với tổng trọng tải 1,8 triệu DWT, Vinalines đang có vốn góp tại 14 doanh nghiệp cảng biển, khai thác 67 cầu cảng với tổng chiều dài 11.885 m, chiếm 27% số cầu cảng và 20% tổng chiều dài cảng biển cả nước. Vinalines cũng đang quản lý 9 lô đất với tổng diện tích hơn 1 triệu m2 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Hậu Giang.
Phương án chót
Cần phải nói thêm rằng, phương án tháng 3/2018 được hiệu chỉnh sau khi Chính phủ có văn bản yêu cầu Vinalines xây dựng phương án CPH theo Nghị định số 126, thay vì Nghị định số 59.
Cụ thể, khoản 1, Điều 48, Nghị định số 126 quy định: “Các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa được phê duyệt phương án CPH trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải xây dựng phương án CPH theo quy định tại Nghị định 126”.
Do quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Vinalines đã được Bộ GTVT ban hành vào ngày 8/12/2017, nhưng phương án CPH lại chưa được phê duyệt trước ngày 1/1/2018, nên doanh nghiệp này phải xây dựng và triển khai phương án CPH theo Nghị định số 126.
Ngoài việc phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền khoảng 2.759 tỷ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên CPH, Vinalines cũng phải hạch toán không điều chỉnh lại giá trị tài sản theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, mà giữ nguyên giá trị tài sản theo sổ sách kế toán.
Nghiệp vụ tài chính này được lãnh đạo Vinalines lo ngại sẽ khiến hoạt động của công ty mẹ gặp bất lợi, đồng thời kéo dài thời gian do phải xây dựng lại phương án CPH.
Cụ thể, nếu thực hiện theo Nghị định số 126, Vinalines phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỷ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên, dẫn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn nhà nước tại công ty mẹ - Tổng công ty.
Được biết, việc phải trích lập dự phòng là do khi lập Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2016, Vinalines đã thực hiện hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập đầy đủ qua các năm (số tiền là 2.710 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu thực hiện theo Nghị định số 59, Vinalines không phải trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính này.
Hiện Vinalines đã chính thức đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch tiến độ CPH công ty mẹ. Theo đó, thay vì cuối tháng 3/2018, thời gian phát hành cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) sẽ phải lùi đến tháng 8/2018, trước khi khép lại vào tháng 9/2018 với việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ khả thi nếu Vinalines hội được 2 điều kiện cần là phương án tháng 3/2018 không thay đổi nhiều và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm nhất là trước ngày 25/5/2018.
“Chúng tôi hy vọng, phương án CPH của Vinalines sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và truyền thông của Vinalines nói.
Theo Báo đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy