Bắt nhịp xu hướng
Trong Quyết định 942 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) giai đoạn 2021 - 2023. Đây được xem là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) đang diễn ra trên toàn cầu.
Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) giai đoạn 2021 - 2023
Theo đó, CBDC có vai trò như tiền truyền thống, nhưng ở dạng số, được phát hành và quản lý bởi Ngân hàng Trung ương, mà theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính, trong vòng 3 năm tới, khoảng 20% dân số thế giới có thể tiếp cận được CBDC.
Xét trên góc độ toàn cầu, quá trình phát hành đồng CBDC có sự khác biệt lớn giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi, có thể chia thành 3 nhóm:
Thứ nhất, nhóm tiên phong bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas… Trong đó, Trung Quốc đã phát hành đồng CBDC dựa trên cơ chế hai tầng, phục vụ bán buôn và bán lẻ, thử nghiệm bắt đầu từ cuối năm 2020. Trong khi đó, NHTW Thụy Điển phát hành đồng e-Krona từ tháng 11/2018, Uruguay với đồng e-Peso từ tháng 4/2018,...v.v.
Thứ hai, nhóm ủng hộ tích cực và đang nghiên cứu phát hành như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Pháp, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập, Campuchia, Ecuador, Đông Caribe, Canada, Thái Lan, Singapore,…trong đó, Pháp có kế hoạch thử nghiệm đồng CBDC cũng như đề xuất xây dựng đồng CBDC chung của khối EUR (e-EURO). Campuchia, Thái Lan, Đông Caribe đã lên kế hoạch phát hành theo bộ công cụ hoạch định chính sách (CBDC Policy-Maker Toolkit) của WEF. NHTW Candana, Thái Lan và Singapore đều có những sáng kiến nghiên cứu CBDC như Canada (dự án CADcoin), Singapore (dự án Ubin), Thái Lan (dự án Inthanon)….. Đặc biệt, gần đây NHTW Trung Quốc, Thái Lan, UAE và Hồng Kông đang cùng nhau triển khai dự án tiền điện tử xuyên biên giới.
Thứ ba, nhóm thận trọng xem xét bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ gồm có Mỹ, Đức, Anh, Nga… Điển hình là Đức chưa muốn sử dụng tiền CBDC và có quan điểm không rõ ràng với việc tạo ra đồng CBDC chung của khối EUR.
Như vậy, việc phát triển CBDC là xu thế, chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định về mặt công nghệ, pháp lý,… để chính thức vận hành tại mỗi quốc gia cũng như xuyên biên giới.
Xoay trục tài chính
Nghiên cứu và phát triển CBDC được coi là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc chạm gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn. Đồng thời, đây cũng là sáng kiến hợp tác công – tư, kết hợp với các tổ chức tài chính, thanh toán để phát triển các chức năng tương tự những nền tảng tài chính, thanh toán trực tuyến hiện có, giúp tiết kiệm chi phí và tăng mức độ phổ cập cho người dân, kể cả những người chưa tiếp cận tài chính chính thức, chưa có tài khoản ngân hàng, buôn bán nhỏ lẻ tại các vùng sâu vùng xa.
Nghiên cứu và phát triển CBDC được coi là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền
Về lợi ích và tác động dài hạn của đồng CBDC trên nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của Ngân hàng Nhà nước, có thể được phác thảo trên 6 lợi ích nổi bật như:
Một là, thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, lây lan dịch bệnh,…v.v.
Hai là, nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới.
Ba là, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.
Bốn là, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Năm là, góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.
Bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức "điện tử hóa" dạng vật chất của tiền mặt, nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, CBDC cũng có 4 rủi ro, thách thức chính cần lường đón; đó là: (i) mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều; (ii) rủi ro ảnh hưởng uy tín đến các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi hay vi phạm xảy ra; (iii) rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp (dù minh bạch hơn nhưng cũng phức tạp và tinh vi hơn); (iv) thách thức đối với điều hành của NHTW và các cơ quan quản lý, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới. Chính vì vậy, tương tự như một số quốc gia khác, Việt Nam cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp (nhưng cũng không nên quá bảo thủ, quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia….).
Để đạt được hiệu quả, chúng ta nên khởi đầu với các giao dịch giá trị nhỏ trong giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, khách sạn…sau đó từng bước mở rộng giá trị và phạm vi giao dịch để không gây xáo trộn hệ thống thanh toán. Sau đó, cần có đánh giá mức độ ảnh hưởng và tác động của ứng dụng này từ phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ đến phạm vi lớn và quy mô lớn rồi tiến hành nhân rộng mô hình theo từng giai đoạn cụ thể. Đây có thể là một bước tiến lớn trong cả thị trường tài chính – tiền tệ, phương thức thanh toán lẫn nền tảng công nghệ mà mỗi quốc gia cần rất thận trọng khi đưa CBDC vào sử dụng chính thức.
Tác giả: TS.CẤN VĂN LỰC -Kinh tế gia trưởng BIDV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy