Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được khởi công từ tháng 5/2014 với tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hợp phần là nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36 km và xây mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,69 km nối từ đại lộ Thăng Long đến xã Trung Minh, TP Hòa Bình. Thời gian thu phí cả hai tuyến đường dự kiến là 27 năm 6 tháng 9 ngày.
Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất lên tới 180.000 đồng/lượt. Từ ngày 3/5/2019, trạm thu phí này được phép thu phí để hoàn vốn. Cũng chính từ ngày thu phí đến nay, nơi đây là “điểm nóng” của mất trật tự, do người dân liên tục vây trạm, phản đối cách thu phí. Điệp khúc “vây –xả” trạm liên tục diễn ra...
Trạm thu phí chia đôi xóm nhỏ nghèo miền núi
Liên tiếp những ngày qua, dưới cái nắng hơn 40 độ ngoài trời, hàng trăm người dân thuộc 2 xã Yên Quang và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tụ tập tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình phản đối chính sách thu phí.
Dân bức xúc vì đi vài trăm mét cũng phải trả phí cho BOT Hòa Lạc. Một phần tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nằm đè lên tỉnh lộ cũ khiến người dân địa phương buộc phải trả phí hàng chục nghìn đồng dù chỉ để đi vài trăm mét.
Theo tìm hiểu, người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) không đồng tình với chính sách miễn giảm giá vé của nhà đầu tư. Theo phương án đưa ra, nhà đầu tư giảm 50% cho các chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi bán kính 5 km của trạm thu phí, miễn 100% với xe buýt.
Có mặt tại trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình, ông Lê Văn Điệp (xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn) đưa ra yêu cầu hoặc là hoàn trả tuyến đường 446 cũ, nếu không thì miễn 100% phí cho những người dân quanh khu vực.
Phần đường còn lại của tỉnh lộ 446 xuống cấp nghiêm trọng cũng khiến người dân bức xúc. Theo người dân địa phương, trong quá trình thi công cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, nhà đầu tư đã sử dụng đường 446 để vận chuyển nguyên vật liệu, gây xuống cấp.
“Họ nói thi công xong sẽ hoàn trả tỉnh lộ 446 đẹp hơn, tuy nhiên đến nay vẫn không làm gì”, ông Nguyễn Minh Hợp, người dân xóm Văn Minh nói.
Quan sát tại tỉnh lộ 446 đoạn qua huyện Kỳ Sơn, phóng viên dễ dàng bắt gặp nhiều điểm đã xuống cấp nặng. Mặt đường mấp mô, bị cày nát tạo thành nhiều ổ voi, ổ gà, bề mặt lại xuất hiện nhiều đá sỏi cỡ lớn, gây mất an toàn giao thông.
“Cháu tôi sang năm đi học lớp 1, tôi tính xin cho nó học trường làng thay vì ra ngoài xã. Trường xã nằm trên đường 446 khó đi quá, ngày mưa thì nước ngập, người lớn đi còn trơn ngã, nắng thì mịt mù bụi, rồi ổ voi, ổ gà, nguy hiểm lắm”, bà Tuyết, người dân xóm Văn Minh bày tỏ.
Người dân thức đêm ngăn thu phí ở trạm BOT Hoà Lạc
Không chỉ chặn xe vào ban ngày, người dân của hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (Kỳ Sơn, Hoà Bình) dựng xe máy chiếm hai làn đường hướng từ Hà Nội đi Hoà Bình cả đêm để ngăn không cho thu phí. Theo người dân, đã 2 đêm họ ra đây chặn trạm BOT này để yêu cầu được miễn giảm 100% vé xe.
Trong lề đường, người dân trải bạt cử nhau thay phiên túc trực cả đêm. Bên ngoài trạm BOT, nhiều tài xế đã dừng lại tặng người dân nước và bánh.
"Chúng tôi chỉ muốn được miễn phí vì sống ngay cạnh đây và đã đi đường cũ bao đời nay chứ không có ý định cản trở giao thông. Người dân đã thống nhất sẽ phản đối liên tục như thế này cho đến khi được giải quyết thoả đáng", ông Nguyễn Văn Lương nhà cách trạm BOT khoảng 300 m nói.
Người dân nơi đây cho biết, những ôtô dừng trong trạm thu phí là của các hộ sống trong làng tự nguyện bỏ công việc để đi đòi quyền lợi. "Người hôm nay nghỉ làm thì người khác tranh thủ chạy xe, chúng tôi thay phiên nhau để vừa có thể đòi quyền lợi vừa đảm bảo cuộc sống gia đình", một tài xế chia sẻ.
Bên trong các quầy thu vé, nhân viên của trạm BOT vẫn túc trực. Trước đó, người dân di chuyển dải phân cách ở làn xe thô sơ để cho các phương tiện lưu thông không phải mất vé do đó không xảy ra hiện tượng ùn tắc. Lực lượng công an có mặt nhưng chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự.
Chính quyền và nhà đầu tư nói gì?
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình, cho biết chính sách miễn giảm giá vé được Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình họp và thống nhất thực hiện, nhà đầu tư làm đúng quy định đang được áp dụng cho nhiều tuyến BOT khác.
Về việc thi công đường mới làm mất đường cũ của người dân, ông Bát cho rằng do khu vực đó có một bên là vực, một bên là núi cao nên không thể có chi phí xẻ núi xây hoàn trả đường cũ cho người dân. Việc không làm được đường cũ cũng là lý do phát sinh chính sách miễn giảm giá vé.
Theo đại diện nhà đầu tư BOT, trạm Hòa Lạc - Hòa Bình mỗi ngày thu được khoảng 230 triệu đồng, riêng trong 3 ngày qua đã thất thu hoàn toàn do người dân phong tỏa.
Trước diễn biến phức tạp xảy ra tại trạm thu phí, ngày 11/6, chiều 12/6, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, UBND tỉnh Hòa Bình hỗ trợ, xử lý vi phạm để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại trạm thu phí tuyến đường BOT Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình.
UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản hỏa tốc báo cáo gửi Thủ tướng cùng các cơ quan chức năng.
Theo đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong khu vực, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng cho phép miễn thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đối với toàn bộ phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp theo quy định trong vòng bán kính 5 km xung quanh trạm BOT, hoặc xây dựng hoàn trả tuyến đường tỉnh 446 để người dân quanh khu vực trạm đi lại.
Trước những động thái tích cực của UBND tỉnh Hòa Bình, toàn bộ người dân địa phương cùng các tài xế có mặt tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình vào chiều 12/6 đều phấn khởi. Họ cho biết nếu chính quyền đáp ứng nguyện vọng thì sẽ vận động nhau rút khỏi trạm sớm.
“Nếu Thủ tướng đồng ý như tỉnh yêu cầu, chúng tôi sẽ vẫy cờ ăn mừng”, ông Đinh Văn Tường, người dân địa phương nói.
Nguyên tắc tối cao của BOT là minh bạch và sự lựa chọn
Trạm thu phí tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đã hoạt động trở lại vào 12 giờ trưa 12/6, khi những người dân dùng phương tiện chặn đường đã rút đi. Đây không phải lần đầu tiên người dân địa phương làm chuyện này và đã rất nhiều lần chủ đầu tư buộc phải xả trạm.
Lần này, UBND tỉnh Hòa Bình đã báo cáo Thủ tướng và đề ra biện pháp giải quyết rõ ràng: Hoặc miễn thu phí cho tất cả các chủ phương tiện ở xung quanh trạm thu phí bán kính 5 km, hoặc làm một con đường khác song song với con đường BOT này.
Chúng ta nhận thấy rất rõ những khuất tất, thiếu minh bạch ở các BOT giao thông và chính điều này đã gây ra phản ứng dữ dội không chỉ của những người tham gia giao thông qua lại ở đây mà cả dư luận xã hội. Những khuất tất đó có từ khi chỉ định thầu cho đến nơi đặt trạm thu phí, từ mức thu đến số phí thu được là bao nhiêu, sử dụng ra sao, “vào túi những ai”... Những việc mà người phải trả tiền không biết.
Đến như một biện pháp giúp cho sự minh bạch là thu phí tự động mà các chủ đầu tư ra sức chây ỳ không thực hiện, đủ hiểu vì sao họ lại cố thủ như vậy. Nếu không có bất đồng trong “ăn chia” ở BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến có người tố ra thì ai biết được những dữ liệu thu phí ở đây cũng bị giấu giếm và không cập nhật theo quy định. Thủ tướng Chính phủ vừa một lần nữa đốc thúc Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ cho các trạm thu phí tự động, không dừng xe.
Sự khuất tất, sự ưu ái của chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản đối với các BOT cũng rất rõ ràng. Người ta đem cả lực lượng bảo vệ an ninh ra để trấn áp những người phản đối trạm thu phí đặt không đúng địa chỉ, một hình ảnh vô cùng phản cảm đối với người dân.
Người ta đưa ra các biện pháp tăng phí nhằm bảo đảm cho các chủ đầu tư BOT không bị thua lỗ, kể cả lấy tiền ngân sách để hỗ trợ, đưa ra việc phá sản hoặc nợ xấu ngân hàng để đạt được cái mà họ muốn. Sự thiên vị rõ ràng kể cả trong phát ngôn và hành động chứng tỏ rằng có lợi ích của họ ở trong đó, vì thế, họ không thể vô tư, khách quan được, minh bạch lại càng không.
Chỉ cần một sự so sánh với con đường cao tốc dài nhất Việt Nam với rất nhiều trạm thu phí BOT là Nội Bài - Lào Cai đủ thấy khi có sự minh bạch tương đối, thu phí dù khá cao, có đường khác không thu phí để đi lại thì có chuyện gì xảy ra đâu. Vì thế, nguyên nhân làm mất trật tự xã hội, cản trở giao thông dứt khoát không phải do người dân gây ra.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Đường BOT cũng là một loại hàng hóa. Nguyên tắc tối cao của BOT là sự lựa chọn. Phải tôn trọng nguyên tắc này chứ không thể bắt người dân phải đi vào đường BOT được nữa.
Theo VOV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy