Dòng sự kiện:
Xử lý doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, dự án đầu tư thua lỗ
13/01/2023 16:04:25
Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo Nghị quyết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm.

Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục"

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Thứ nhất, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ hai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”. Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để “biến nguy thành cơ”, kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ tư, đồng bộ, thống nhất và quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Tăng cường hoàn thiện thể chế, chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ năm, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc.

Thứ sáu, tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế; bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định

Nghị quyết nêu rõ 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong đó đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch. Tập trung tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải nhưng không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số, nền tảng số, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò mở đường phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, dự án FDI, nhất là các công ty đa quốc gia.

Chính phủ cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, tính đến ngày 31/12/2021, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư 137 dự án ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Trong đó có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020). Chiếm tỷ trọng lớn (87%) là số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông (8 dự án viễn thông bị lỗ với tổng số lỗ là 293,32 triệu USD; tỷ giá biến động mạnh và lỗ kinh doanh tại thị trường Tanzania là 43,93 triệu USD do chính sách thắt chặt quản lý thông tin thuê bao của chính phủ và các loại thuế, phí cao).

Đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD, giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 và các mục tiêu năm 2023.

Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.

Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định, và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lắp, tránh lãng phí chi phí của xã hội.

Thực hiện hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương pháp quản lý từ kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao.

Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa. Nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng luật pháp của doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững, TTHC,…

Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tác giả: Tuệ Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến