Tại cuộc họp mới đây về tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến công tác CPH là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc. "Nhiều DN chỉ đến khi thực hiện CPH mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình CPH" - Phó Thủ tướng nói.
Vướng mắc lớn về đất đai
Từ năm 2016 đến tháng 7-2020, cả nước có 177 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH nhưng chỉ 37 DN trong đó thuộc danh mục CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy, số DN được CPH mới đạt 28% kế hoạch. "Số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 là 91 DN" - Bộ Tài chính nêu nhiệm vụ rất khó hoàn thành.
Đáng chú ý, các DN lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Argibank)... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành xác định giá trị DN. Đến nay, tiến độ thoái vốn cũng mới đạt 26,4% kế hoạch.
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc diện cổ phần hóa
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cho rằng dịch Covid-19 đã tác động đến quá trình CPH các tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp. Ngoài ra, một số quy định về CPH mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước nên quy trình thực hiện kéo dài hơn. Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, những vướng mắc trong quản lý đất đai, sử dụng tài sản công cũng ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ CPH.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá một trong những vướng mắc lớn nhất của quá trình CPH là khó khăn khi xác định tài sản DN, đặc biệt là tài sản đất đai cùng các phương án sử dụng đất, chào bán cổ phần… Bởi nếu không thận trọng sẽ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước như không ít trường hợp đã xảy ra. Trong khi đó, hiện chưa có giải pháp căn cơ để gỡ vướng mắc này dù đã có không ít kiến nghị liên quan đến cơ chế phối hợp nhằm đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư, định giá cổ phiếu phát hành lần đầu… sao cho hợp lý nhất. "Cùng với các vấn đề về tài chính, lao động thì xử lý đất đai là chuyện đau đầu nhất trong CPH. Có tình huống DN kinh doanh không đúng ngành nghề, đem đất cho thuê nên việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai khá phức tạp. Cũng có trường hợp tranh chấp đất đai, buộc phải xin ý kiến nhiều cấp từ tỉnh, TP, trung ương… dẫn đến kéo dài thời gian so với quy định" - ông Ánh nêu nguyên nhân dẫn đến DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng nhiều bài học về CPH gây thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước cũng khiến một bộ phận người có trách nhiệm không dám phê duyệt giá trị CPH hoặc đùn đẩy nhau. Nếu không khắc phục tình trạng này, tiến độ CPH sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Chưa có cá nhân nào bị xử lý
Tại cuộc họp nói trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ việc chậm sửa đổi quy định về CPH, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên cũng là những nguyên nhân khiến công tác này bị chậm. Phó Thủ tướng phê bình một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các DN thực hiện CPH.
Cũng với tinh thần này, đại diện Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc triển khai công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DN theo kế hoạch đã đề ra; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DN nhà nước, chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt. Đồng thời, tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH, thoái vốn tại DN nhà nước và DN có vốn nhà nước nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước.
"Mặc dù câu chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu để bảo đảm tiến độ CPH đã nhiều lần được nhắc đến nhưng trên thực tế vẫn chưa có cá nhân nào bị nhắc tên, trong khi nhiệm vụ CPH chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" - một chuyên gia nhiều năm theo sát tiến trình CPH bình luận và khẳng định nếu chưa xử lý được điểm nghẽn này, sẽ khó thúc đẩy CPH đạt kết quả nhanh hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-8, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh muốn CPH DN đi được đúng tiến trình và quỹ đạo thì phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đó là người đứng đầu DN và cơ quan chủ quản. "Việc CPH đã nằm trong kế hoạch, trong ý chí quyết tâm của Chính phủ nhưng triển khai quá chậm. Mà chậm là do ai? Do người đứng đầu các đơn vị nằm trong danh sách CPH" - ông Doanh thẳng thắn chỉ rõ và đề nghị cần phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ì, làm chậm quá trình CPH, như vậy mới đẩy nhanh tiến độ CPH được.
Tác giả: Minh Chiến - Thùy Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy