Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu: Cần sự phối hợp của các bộ, ngành
31/05/2018 07:00:15
Để tháo gỡ vướng mắc, các cơ quan nhà nước cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc XLNX không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, của VAMC.

Mà còn cần sự tham gia tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa NHNN với các bộ, ngành.

Báo cáo mới nhất của NHNN gửi tới Quốc hội cho thấy về tình hình nợ xấu của hệ thống NH đang có nhiều tín hiệu tích cực. Tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Mấu chốt những vướng mắc trong xử lý TS

Nhiều NH đã mua lại toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC. Hiện tại tỷ lệ nợ xấu của nhiều NH đang ở mức rất thấp nhất là do tốc độ xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu cải thiện rõ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 12/2017 là 1,99% giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016. Đến tháng 5/2018, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với XLNX giai đoạn 2017 - 2020 của 3/4 NHTM Nhà nước; phương án cơ cấu lại nợ xấu của 9/10 NH nước ngoài và liên doanh. Các NHTMCP tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả thu hồi, XLNX.

Đến tháng 5/2018, VAMC đã xử lý thu hồi được 3/4 số nợ hơn 3.000 tỷ đồng mua theo giá thị trường.

“NQ 42 tạo một số hành lang pháp lý rất quan trọng cho phép VAMC và các TCTD được phép thu giữ tài sản khi vi phạm cam kết, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thu hồi TSĐB. Mục tiêu lớn nhất mà NQ 42 đặt ra là tạo sự bình đẳng giữa người đi vay và cho vay. Và cả hai đều phải nâng cao trách nhiệm của mình trước hệ thống pháp luật và nền kinh tế” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh. Ở góc độ người trong cuộc, các NH cũng thừa nhận là NQ 42 rất hữu dụng đối với thị trường mua bán nợ, nhất là thị trường bán lẻ.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng bày tỏ, kể từ khi NQ 42 có hiệu lực, việc xử lý các khoản nợ của các NH khá thuận lợi. Nhất là các khoản nợ bán lẻ có giá trị không lớn được xử lý nhanh hơn do người vay không chây ì.

Mặc dù NQ 42 hỗ trợ rất tốt cho việc XLNX của NH nhưng trong quá trình triển khai các NH và cả VAMC còn gặp những khó khăn. Một CEO NH lấy dẫn chứng trường hợp: khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án BĐS không phải trực tiếp là chủ dự án. Khi dự án chưa được hoàn thiện, NH không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý. Vì khách hàng thế chấp dự án đầu tư chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý nên không đủ điều kiện để áp dụng Điều 10 của NQ 42 về xử lý TSĐB là dự án BĐS. Khi đó NH buộc phải khởi kiện theo trình tự thông thường, mất nhiều thời gian hơn.

Thừa nhận NQ 42 hữu dụng đối với các khoản nợ giá trị nhỏ, nhưng những khoản nợ trên thị trường bán buôn thường là khoản cho vay dự án rất khó giải quyết vấn đề. Vì phát sinh tranh chấp quan hệ dân sự giữa khách hàng NH rất phức tạp. Trên thực tế, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB những vụ việc tranh chấp rất muôn hình vạn trạng. Có những vụ việc các đối tượng cố tình dàn xếp để kéo dài thời gian bằng cách để NH đi khởi kiện. Lúc này NQ 42 không có giá trị nữa và NH xử lý tài sản theo quy định bình thường. Vì theo quy định tại NQ 42 tài sản phải trong tình trạng không được tranh chấp mới được xử lý.

NQ 42 đưa ra điều kiện TSĐB được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, khiến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo NQ 42. Một trong những khó khăn nữa hiện nay về bán TSĐB là vấn đề thuế, khi TSĐB đã được bán nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì chưa đóng thuế…

Các chuyên gia cho rằng, mấu chốt những vướng mắc trên là do khung pháp lý chưa đồng bộ. Trong khi NQ 42 chỉ là nghị quyết đơn lẻ, không thể nào khắc phục được hết sự phức tạp giữa mối quan hệ NH, khách hàng. Để tháo gỡ vướng mắc trên, các cơ quan nhà nước cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc XLNX không chỉ cần sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, của VAMC mà còn cần sự tham gia tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa NHNN với các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, tòa án, thi hành án các cấp. Ông Tùng đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết vào cuộc mạnh hơn của Tòa án, cơ quan thi hành án.

“Đối với khách hàng chây ì dứt khoát không giao tài sản thì ngoài hỗ trợ chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chuyên ngành như tòa án, thi hành án, công an… mới giúp NH có được kết quả tốt hơn” - ông Tùng bày tỏ.

Các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần thiết tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình XLNX. Nợ xấu được xử lý hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn không chỉ đối với ngành NH mà cả nền kinh tế: lành mạnh hoá hệ thống NH, giúp NH tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến