Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm
21/01/2019 17:06:32
Tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 vào giữa tuần qua của Agribank, ngoài con số lợi nhuận ấn tượng 7.525 tỷ đồng của ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Ảnh minh họa

Theo đó, kết thúc năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Agribank này chỉ ở mức 1,51%, giảm tới 4,29% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu. Riêng năm 2018, ngân hàng đã thu hồi nợ sau xử lý rủi ro và nợ đã bán VAMC lên tới 11.936 tỷ đồng vượt kế hoạch giao. Còn kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, ngân hàng này thu hồi nợ xấu và nợ sau xử lý đạt 89.822 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 đạt 66.789 tỷ đồng.

Chưa hết, Chủ tịch HĐTV Agribank ông Trịnh Ngọc Khánh còn công bố tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng có thể giúp ngân hàng đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Như vậy, sau Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB… cái tên tiếp theo được loại ra khỏi danh sách khách hàng của VAMC sẽ là Agribank. Kết quả trên có thể nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, thậm chí chính bản thân ngân hàng này cũng không dám mơ tới. Bởi Agribank từng là một trong những NHTM có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống, cũng là khách hàng VIP của VAMC với số lượng nợ xấu bán lại cho VAMC lớn nhất trong hệ thống. Thế nhưng, sau một thời gian lăn lộn, chiến đấu với nợ xấu bằng nhiều giải pháp, đến nay Agribank đã xử lý được khối lượng lớn nợ xấu và luôn được lãnh đạo VAMC nhắc tới là điểm sáng xử lý nợ xấu (XLNX) trong số TCTD bán cho công ty này.

Việc chủ động mua lại trước hạn nợ xấu nói trên có thể làm tăng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này. Nhưng nó cũng phần nào cho thấy các ngân hàng có đủ nguồn lực để xử lý mới có thể làm như vậy. Vietcombank là điển hình trong số đó. Đến cuối năm 2018, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này đã giảm xuống dưới 1% và đã hoàn thành trước thời hạn chuẩn mực an toàn vốn Basel II theo quy định Thông tư 41. Có được điều đó một phần cũng nhờ Vietcombank dám “dũng cảm” mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC về để tự xử lý, chấp nhận giảm lợi nhuận trước mắt để mưu tính cho con đường phát triển lâu dài. Nhờ đó, không chỉ về đích trước hạn trong việc áp dụng chuẩn Basel II mà hiện tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu lên tới 169,7%.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Mặc dù đã có nhiều tín hiệu rất khả quan trong hoạt động XLNX, đặc biệt trong năm 2018 được đánh giá là năm toàn ngành Ngân hàng XLNX hiệu quả nhất trong vài năm trở lại đây, nhưng người đứng đầu Ngành vẫn nhắc nhở các ngân hàng phải luôn để mắt tới nợ xấu, nhất là nợ tiềm ẩn thành nợ xấu hiện còn khá cao. Bởi nếu tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC vẫn ở mức 6,5% khi kết thúc năm 2018.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Agribank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng lưu ý ngân hàng này, tỷ lệ nợ xấu tuy giảm, nhưng con số tuyệt đối vẫn còn cao. Nên Thống đốc yêu cầu XLNX tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng này trong thời gian tới. Với toàn hệ thống, tại Chỉ thị 01 Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải phấn đấu trong năm 2019 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%.

Để đảm bảo tính khả thi cho các mục tiêu trên, Thống đốc yêu cầu các TCTD tập trung rà soát phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Đồng thời chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Trong quá trình XLNX, TCTD nghiêm túc đánh giá khả năng thu hồi nợ, cũng như phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý hiệu quả, kịp thời. Hoạt động XLNX theo cơ chế thị trường cần được đẩy mạnh hơn.

Bên cạnh sự chủ động, các ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai các giải pháp XLNX, đặc biệt XLNX theo Nghị quyết 42. Đặc biệt, các TCTD phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Tòa án, cơ quan thi hành án để tiến hành khởi kiện, phát mại tài sản bảo đảm đối với những khách hàng có nợ xấu không còn khả năng trả nợ, không hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến