Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu trên cơ sở củng cố nội lực
12/05/2019 17:16:16
Dù tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 2%, nhưng quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn tới phải dựa trên việc củng cố nội lực từ chính các tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã giảm xuống dưới 2%. Trong ảnh: Vietcombank - một ngân hàng tích cực trong xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu từ nội lực

Đánh giá về sức khỏe hệ thống ngân hàng thương mại sau 6 năm tái cơ cấu, ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, có 2 khía cạnh quan trọng thời gian tới cần đẩy mạnh khi tái cơ cấu là nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng để bắt kịp các mô hình mới và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực trong ngân hàng. “80% CEO cho rằng thiếu hụt nhân lực và thiếu vốn sẽ cản trở sự phát triển”, ông Long nói.

Chia sẻ ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Mạnh Thắng cũng có quan điểm tương đồng về việc củng cố nội lực thông qua xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý và xử lý nợ có vấn đề của ngân hàng, kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ rõ, nhu cầu vốn hiện nay tập trung chủ yếu là vay ngân hàng, nên tăng vốn tự có là điều bắt buộc. Đánh giá Vietcombank đã có biện pháp sử dụng vốn hiệu quả, ông Thắng cho rằng, Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung cần nỗ lực “chuyển mình”, tập trung nguồn lực trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ để nhanh chóng xử lý triệt để nợ xấu, phá tan “cục máu đông”, khơi thông dòng vốn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, việc tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các ngân hàng thương mại phải bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Bà Hòa cũng lưu ý, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần đổi mới hoạt động theo xu thế mới. Cụ thể, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Đồng thời, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng khá tích cực, nhưng vẫn còn cao, dù có Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng vẫn còn vướng mắc. Hơn nữa, an toàn vốn cũng là vấn đề. Vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho ngân hàng thương mại. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến