Dòng sự kiện:
Xử lý nợ xấu: Triệt 'bệnh' từ gốc
19/01/2018 06:00:32
Năm 2018 sẽ là năm quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Quyết tâm này dường như sẽ không dễ dàng khi ngành ngân hàng vừa phải giải quyết khối nợ xấu lớn đang hiện hữu trong toàn hệ thống ngân hàng cùng với ngăn chặn tối đa phát sinh các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Theo nhận định của giới chuyên gia, nợ xấu chỉ được giảm thiểu khi được tiến hành động bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, năng lực quản trị đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động điều hành. 

Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (trái) bị VAMC thu giữ nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Rốt ráo hành động 

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2017), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 42/2017/QH 14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết này được đánh giá sẽ là công cụ hữu hiệu cho hệ thống tín dụng giải tỏa các ách tắc trước đây trong xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu, qua đó khai thông cục máu đông về vốn tồn tại lâu nay trong nền kinh tế. 

Ngay sau khi Nghị quyết 42 ra đời, một loạt văn bản, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được ban hành nhằm ráo riết xử lý nợ xấu. Đó là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về thực hiện Nghị quyết 42. Tiếp đó, NHNN đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết  này. Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống TCTD được thành lập. Hội nghị triển khai phổ biến Nghị quyết 42 và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trong toàn hệ thống ngân hàng cũng được tổ chức.

Tại các địa phương, việc triển khai Nghị quyết 42 được phổ biến rộng khắp; trong đó có nội dung yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu tại NHNN chi nhánh.

Cùng đó, NHNN cũng ban hành các văn bản thúc đẩy xử lý nợ xấu như sửa đổi quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC; sửa đổi quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu...

Đặc biệt, các TCTD đã thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ, đang chú ý là quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, năng lực cán bộ thực hiện thẩm định cấp tín dụng. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Với những yếu tố tích cực của Nghị quyết 42, sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, một khối lượng lớn nợ xấu đã được xử lý. Theo đó, từ ngày 15/8/2017 đến 31/10/2017, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý khoảng 29,51 nghìn tỷ đồng, riêng 6 TCTD là Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, NHNN được lựa chọn điểm để xử lý nợ xấu đã xử lý khoảng 13,04 nghìn tỷ đồng.

Theo NHNN, trong 10 tháng năm 2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,34% tổng dư nợ, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016 với tổng nợ xấu nội bảng là 160,6 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ xấu được xử lý đạt 78,9 nghìn tỷ đồng.

Khẳng định hiệu quả của xử lý nợ xấu đối với nền kinh tế, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá, năm 2017 các TCTD đã nỗ lực tự xử lý nợ xấu với tốc độ tăng hơn 40% so với năm 2016. Nhờ đó, khả năng sinh lời của hệ thống TCTD tăng lên, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng và số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống TCTD tăng mạnh so với cuối năm 2016.

Nhận diện bất cập 

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu quốc hội đã đặt vấn đề về những lý do khiến nợ xấu chưa được giải quyết mạnh mẽ dù Nghị quyết 42 lúc đó đã đi vào cuộc sống hơn 2 tháng.

Thẳng thắn nhìn nhận sự chậm trễ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ ra những bất cập trong vấn đề này. Đó là hoạt động của TCTD vốn gắn chặt với nền kinh tế nên khi nền kinh tế còn khó khăn trong khi hệ thống ngân hàng vừa thực hiện trách nhiệm cung ứng vốn tín dụng vừa tiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu sẽ càng khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm tiến trình xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu TCTD chưa được như mong muốn.

Theo Thống đốc, một nguyên nhân quan trọng khác làm chậm tiến trình cơ cấu lại TCTD là năng lực quản trị điều hành của một bộ phận các TCTD còn hạn chế.

PGS.TS Trịnh Quốc Trung, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) cho hay, hầu hết các rủi ro trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều xuất phát từ yếu tố nhân lực quản lý điều hành các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu trong quản trị, giảm rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đưa ra những dẫn chứng, vị này chỉ rõ các vụ đại án trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang trong quá trình điều tra, xét xử như vụ Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ngân hàng TMCP Đông Á, Phạm Công Danh, Trầm Bê và hàng loạt các vụ việc khác đều liên quan đến các lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng từ cấp Chi nhánh đến Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Theo PGS. TS Trịnh Quốc Trung, rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng mang tính chất đặc thù về sự phức tạp, độ lớn và có độ trễ. Do đó, cần phải có đội ngũ quản lý không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn vấp phải trong quá trình xử lý nợ xấu đang gây trở ngại cho hệ thống ngân hàng phải kể đến đó là sự phối hợp của các bộ ngành khi chưa thực hiện xong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Nghị quyết 42. Tại một số nơi cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể tới UBND, cơ quan công an địa phương nên còn vướng trong phối hợp xử lý.

Đối với việc thu giữ tài sản, các TCTD vẫn đang gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác hoặc có sự phản kháng của Bên bảo đảm, Bên vay trong việc bàn giao tài sản... Hay việc hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42... 

Quyết liệt xử lý nợ xấu 

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2018, NHNN đã xác định việc thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đến năm 2020 gắn với xử lý nợ xấu là một nhiệm vụ then chốt để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng có thể tăng cường hoạt động và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để thực hiện mục tiêu này, NHNN đã và đang thực hiện các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực trong quản trị rủi ro, an toàn hoạt động ngân hàng của TCTD.

Theo đó, việc ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II đã đảm bảo cho TCTD thực hiện các thông lệ quốc tế nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Cùng đó sẽ phản ánh đúng thực chất mức độ rủi ro của khoản cho vay đối với mỗi khách hàng.

NHNN cũng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó yêu cầu phải xây dựng các quy định nội bộ nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, dự án BT, BOT, cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, NHNN đang thực hiện các bước cuối cùng để ban hành Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN của Thống đốc NHNN nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ của TCTD theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Giải pháp về nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát trong hệ thống TCTD cũng được NHNN coi trọng. Ngay trong năm 2018, trọng tâm công việc này là tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm đã được NHNN cảnh báo. Đồng thời theo dõi chặt chẽ việc chấp hành và thực hiện Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017, các văn bản cảnh báo của NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Để phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai Nghị quyết 42, NHNN sẽ phối hợp các Bộ Công an và Tư pháp ban hành văn bản chỉ đạo các cấp giữ an ninh, trật tự khi TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như hướng dẫn các Trung tâm/Công ty bán đấu giá quy trình thực hiện bán đấu tài sản TCTD đã thu giữ.

NHNN cũng phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng cục Thuế, các chi cục thuế liên quan đến nghĩa vụ tài chính khi xử lý tài sản bảo đảm; hướng dẫn về các chuẩn mực phương pháp định giá khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

Đồng thời đề nghị Tòa Án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể các trường hợp quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 liên quan đến thủ tục rút gọn trong tố tụng để giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42.

Đối với các địa phương, NHNN đề nghị có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ TCTD khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, để xử lý nợ xấu được nhanh, các cơ quan công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp để cán bộ ngân hàng có thể thu giữ tài sản bảo đảm một cách thuận lợi với trường hợp chây ỳ, từ đó tạo ra tiền lệ tốt trong xử lý nợ xấu cho những lần sau.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị, NHNN phải có một cuộc điều tra về tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng của cổ đông theo quy định của NHNN. Khi đó hệ thống ngân hàng trở nên trong sạch hơn, không bị nhóm lợi ích cấu kết lợi dụng ngân hàng để thế chấp vay vốn.

TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight lưu ý cùng với việc tích cực của các bộ ngành để nhanh chóng triển khai Nghị quyết 42, điều quan trọng là NHNN phải tăng cường thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng. Việc này đã nói nhiều, làm nhiều nhưng rõ ràng vẫn chưa hiệu quả bởi thực tế vẫn đang xảy ra các vụ án tại các ngân hàng mà phần lớn có liên quan đến hoạt động cho vay không đúng quy định.

Với những nỗ lực của hệ thống ngân hàng cùng sự vào cuộc của các bộ ngành, ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức, tiến trình xử lý nợ xấu hy vọng sẽ được thúc đẩy, qua đó làm lành mạnh thị trường tín dụng, tiến tới thực hiện thành công tái cơ cấu hệ các TCTD, tiếp tục là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến