Xử nghiêm lãnh đạo DNNN không nghiêm túc thực hiện cổ phần hóa
03/02/2017 09:58:39
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN (DNNN) giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN thực hiện cổ phần hóa kém hiệu quá, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Tin liên quan

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kiện toàn bộ máy quản lý, đặc biệt phải kiện toàn ngay đối với bộ máy quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp; bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng được yêu cầu. Tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ.

Chính phủ lưu ý việc xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đồng thời giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các Phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp nhà nước phải xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Yêu cầu, định kỳ hàng quý, năm, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nếu có. Bộ Tài chính tổng hợp chung, định kỳ hàng quý, năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng doanh nghiệp; nghiên cứu, xác định giá trị thương hiệu vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước. DNNN cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán cần được tăng cường, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn…

Chính Phủ cũng chỉ đạo áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Diệu Ly

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến