Dòng sự kiện:
Xuất hiện nhóm lợi ích trong đại án nghìn tỷ ngân hàng Xây Dựng?
19/07/2016 06:59:58
ANTT.VN - Phạm Công Danh cùng đồng bọn rất khó để phạm tội nếu không có quá trình 'dọn đường' trước đó của người đàn bà bí ẩn Hứa Thị Phấn.

Tin liên quan

Hôm nay, ngày 19/7, TAND TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm trong đại án nghìn tỷ tại ngân hàng này ra xét xử. 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố tại phiên tòa này là Giai đoạn 1 của vụ án, xét xử các bị can ở hai hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", thiệt hại được xác định là hơn 7.000 tỷ đồng; và hành vi "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", con số thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

"Ẩn số" Hứa Thị Phấn và mục đích thực sự khi thâu tóm Trustbank

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trước đây là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank), tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Rạch Kiến, thời điểm đầu năm 2012 có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, do nhóm cổ đông Phú Mỹ (nhóm Phú Mỹ), bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần.

Ngay sau khi bỏ khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ người khác đứng tên thâu tóm Trust Bank trong 2 năm 2009, 2010, bà Phấn nhanh chóng 'hiện nguyên hình', sử dụng ảnh hưởng của mình, thông qua 29 đối tượng đứng tên giùm, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng, với tài sản thế chấp phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè mà quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 300.000 - 1.000.000 đồng, tuy nhiên đã được Trustbank định giá lên tới 8-32 triệu đồng.

Từ đây đặt ra nghi vấn là có hay không việc bà Phấn, thông qua người khác, góp vốn thực vào Trust Bank, hay chỉ là chiêu "lấy mỡ nó rán nó", đi vay chính tiền của nhà băng để góp vốn vào Trust Bank?

Chưa dừng lại ở đó, với sự trợ lực của bộ đôi Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng giám đốc Trần Sơn Nam, Trust Bank dưới thời bà Phấn đã 'lột xác', từ một trong những ngân hàng triển vọng nhất miền Tây, trở thành một nhà băng ngập trong nợ nần, không có lối thoát.

Nhận biết được những dấu hiệu bất thường, Ngân hàng Nhà nước từ ngày 09/02/2012 tới 10/07/2012 đã tiến hành thanh tra Trust Bank, kết luận thực trạng tài chính ở nhà băng này là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu âm 2.854,83 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,74 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số trên, ta không tránh khỏi giật mình. Tuy nhiên nếu biết được cách thức điều hành của những người đứng đầu Trust Bank thì chắc hẳn nhiều người sẽ mường tượng ra được mục đích thực sự của bà Phấn cũng như nhóm Phú Mỹ khi thâu tóm ngân hàng này.

Đơn cử, tháng 1/2008, bà Phấn mua căn nhà số 05 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Tháng 10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC. 

Tuy nhiên, không biết có việc chuyển quyền sở hữu từ Công ty Địa ốc Lam Giang lại cho bà Phấn hay không, nhưng năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp cho bên mua là Ngân hàng Đại Tín với giá là 1.260 tỉ đồng (trong đó giá trị đất 1.257.978.450.000 đồng trên 621m2, giá trị nhà 2.021.550.000 đồng). 

Như vậy, qua hợp đồng mua, bán nhà thì giá trị QSDĐ đất được nâng lên đến hơn 2 tỉ đồng/m2; trong khi, giá đất (trọn đường) Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 là 37,4 triệu đồng/m2 (theo Quyết định số 82/2011/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND thành phố Hồ Chí Minh). 

Đây chỉ là một trong rất nhiều những thương vụ tương tự khác mà bà Phấn cùng nhóm lợi ích của mình lập ra để 'rút ruột' Trust Bank, ngoài ra còn có thể kể tới căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, 426 Nguyễn Thị Minh Khai hay nhà số 1 – 3 – 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TP. HCM. Tất cả đều theo một 'mô típ', bất động sản được định giá rất cao, gấp hàng chục lần giá thị trường.

Từ đây có thể thấy rõ mục đích thực sự của bà Phấn cùng các cổ đông khác (thực chất đều là tiền của bà Phấn) là sử dụng quyền áp đảo trong hội đồng quản trị, thông qua những khoản vay nghìn tỷ với bà Phấn và những cá nhân, tổ chức liên quan, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu xài của những người này, và không loại trừ dùng tiền vay được để trả cho chi phí trước đó nhóm này đã bỏ ra để thâu tóm Trust Bank.

Ngân hàng lỗ nghìn tỷ, vẫn 'nhiệt tình' mua lại

Nhận định được tình hình nguy cấp tại Trustbank, NHNN sau đợt thanh tra trên đã chấp nhận chủ trương cho phép nhóm Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh - đại diện là Phạm Công Danh). NHNN ngày 09/9/2012 đã có văn bản số 652/NHNN-TTGSNH gửi Trustbank thông báo về việc chấp thuận chủ trương trên.

Tuy vậy, chẳng cần đợi tới lúc cơ quan có thẩm quyền cho phép, ngay từ ngày 06/06/2012, 2 nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã 'nhiệt tình', ký Biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% cổ phần của Trust Bank và các tài sản liên quan với cái giá 4.619,61 tỷ đồng.

Tháng 2/2013, Chủ tịch Công ty Thiên Thanh Phạm Công Danh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Trust Bank. Ông này không lâu sau đó nhanh chóng đưa một loạt 'thân tín' lên nắm giữ những chức vụ chủ chốt, phải kể tới Tổng giám đốc Phan Thành Mai và Giám đốc khối kinh doanh Mai Hữu Khương. Đây là 2 trong số những đồng phạm hỗ trợ đắc lực nhất trong chuỗi phạm tội sau này của Phạm Công Danh.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Phạm Công Danh lại quyết định nhảy vào 'vũng bùn' mang tên Trust Bank, khi mà ai cũng có thể thấy khả năng vực dậy ngân hàng này sau thời Hứa Thị Phấn gần như là không thể, và nữa, người đứng đầu tập đoàn Thiên Thanh lấy đâu ra hơn 4.600 tỷ đồng trả cho thương vụ trên?

Câu trả lời hóa ra lại liên quan tới nhau, bởi mục đích cuối cùng của Danh khi mua lại Trust Bank không khác người tiền nhiệm là mấy, chỉ có là quy mô 'khủng khiếp' hơn rất nhiều.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ rõ, kể từ khi nhóm Thiên Thanh nắm quyền kiểm soát Trust Bank (lúc này đã đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng - VNCB), hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không hiệu quả. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 cho thấy số lỗ lũy kế của VNCB lên tới 8.765,84 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.177,1 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án (26/07/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255,8 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745,6 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với thời điểm nhóm bà Phấn 'cao chạy xa bay'.

Xác định thâu tóm để phục vụ mục đích cá nhân (Trả nợ ngân hàng BIDV thay cho các công ty của tập đoàn Thiên Thanh, trả nhóm Phú Mỹ tiền mua cổ phần, tiêu xài cá nhân...), ngay sau khi ngồi vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT VNCB, Danh cùng đồng bọn đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào để rút ruột ngân hàng này, từ lập dự án khống nâng cấp hệ thống phần mềm, tới nâng giá và làm khống hợp đồng thuê mặt bằng cho tới việc thông qua 12 công ty con 'ma' (do bảo vệ, vợ bảo vệ, nhân viên, người nhà...làm giám đốc) và 2 pháp nhân khác, lập các hồ sơ khống, thế chấp 1 mảnh đất nhiều khoản vay nhằm lấy được càng nhiều tiền từ VNCB càng tốt...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng Sáu đã yêu cầu khẩn trương điều tra, xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. Các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng đẩy nhanh tiến trình xử lý và đưa ra xét xử vụ án vào ngày hôm nay (19/07).

Tuy nhiên, thiết nghĩ, cần truy cứu, làm rõ tới cùng trách nhiệm của nhóm cổ đông Phú Mỹ nói chung và bà Hứa Thị Phấn nói riêng, bởi đây chính là nguồn cơn của con số âm 18,5 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu hiện nay của VNCB. Bởi suy cho cùng, không có chính sách điều hành mang tính tư lợi cá nhân, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của nhóm bà Phấn, thì Phạm Công Danh và đồng bọn không thể có cơ hội để biến VNCB thành "đống đổ nát" như ngày hôm nay được.

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến