Dòng sự kiện:
Xuất khẩu bền vững: Cần giải pháp toàn diện
27/04/2018 11:00:06
Thúc đẩy XK là giải pháp quan trọng, lâu dài. Do vậy, phải có giải pháp tổng thể trên cơ sở thị trường, có nghiên cứu chiến lược, tâm lý, sản xuất cả về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Tại Hội nghị “Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018” được Bộ Công thương tổ chức đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một nước không cân bằng xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao, từ đó làm cho kinh tế đất nước bấp bênh, đời sống người dân rất khó khăn… Cho nên, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành, trong đó thúc đẩy xuất khẩu (XK) bền vững là rất quan trọng.

Xuất khẩu còn nhiều vấn đề

2017 là một năm đặc biệt thành công của XK. Lần đầu tiên kim ngạch XK của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương. “Tăng trưởng XK năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động…”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Lần đầu tiên kim ngạch XK của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD

Nhưng bên cạnh đó, nhiều biểu hiện không bền vững xuất hiện cũng ngày càng “lộ diện”. Theo lãnh đạo Bộ Công thương, XK chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử và nhóm hàng này hiện chiếm tới 33% tổng kim ngạch XK. Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng XK cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Điểm đáng lưu ý nữa là XK vẫn dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do sản xuất và XK của khối này lại phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), XK của nước ta sẽ chịu tác động mạnh hơn.

Bên cạnh đó, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%); một số mặt hàng còn phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được chất lượng. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm XK bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam…

Không ít rào cản kìm hãm hoạt động XK cũng được các hiệp hội, ngành hàng nêu ra, mong được tháo gỡ. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, trong nội bộ ngành đang phát triển mất cân đối, khâu yếu nhất là thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất), sợi sản xuất 1,4 triệu tấn/năm thì có đến 90% là XK, song nguồn vải cho may XK chủ yếu là nhập khẩu.

Tỷ lệ tăng thêm của may XK mới đạt khoảng 50%. Trong khi đó, từ bên ngoài, các FTAs phần lớn đều áp dụng quy tắc xuất xứ. EU vẫn đang áp dụng mực thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước như Campuchia, Myanmar; Mỹ cũng áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế suất bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ và 9,6% vào thị trường EU…         

Trong khi đó trình bày tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn một số quy định chưa hợp lý và DN mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho XK. Đó là chính sách thuế giá trị gia tăng, chính sách thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất… Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng chi phí của nền kinh tế còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa XK.

Giải pháp nào?

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, DN xác định các mặt hàng có thị trường XK nhưng gặp khó khăn để tháo gỡ, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may, da giày… là mặt hàng có lợi thế so sánh lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp gắn với nhu của thị trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát quá trình sản xuất, đáp ứng quá trình XK; gắn sản xuất, thu hoạch với chế biến sâu và chú trọng xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm XK, như da giày, may mặc, ô tô, nông nghiệp; giảm chi phí logistics cho XK. Đặc biệt, phía Bộ Công thương cần nâng cao chất lượng thông tin dự báo thị trường để có căn cứ điều chỉnh sản xuất cho phù hợp… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, XK.

Về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết đã nắm bắt tình hình sản xuất, XK, khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất của các DN, Bộ đã đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy XK trong năm 2018. Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng vào khối DN Việt Nam, bao gồm: nhóm giải pháp tác động vào phía cung; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức XK, kết nối giữa cung và cầu.

Riêng với các giải pháp hỗ trợ hoạt động XK, Bộ Công thương cho rằng, đây là nhóm giải pháp cuối cùng hướng vào các hoạt động hỗ trợ cho các DN trong khâu tổ chức hoạt động XK, bao gồm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động XK; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XK…

Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thúc đẩy XK là giải pháp quan trọng, lâu dài. Do vậy, phải có giải pháp tổng thể trên cơ sở thị trường, có nghiên cứu chiến lược, tâm lý, sản xuất cả về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Bộ Công thương cần có các giải pháp cụ thể riêng biệt với các thị trường, mở rộng các thị trường khác còn tiềm năng ngoài các thị trường mà chúng ta đã có FTA.

Bên cạnh đó, bộ cũng cần thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. “Các đại sứ quán, tham tán thương mại cũng phải tìm cách quảng bá, kết nối cung cầu cho sản phẩm của Việt Nam. Các địa phương cũng phải chú trọng xây dựng các trung tâm logistics, tạo điều kiện về đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu… và tạo thuận lợi nhất cho XK”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến