Xuất khẩu gạo trước áp lực tồn kho cao
19/06/2014 10:07:18
Tồn kho gạo quá lớn trong khi xuất khẩu ảm đạm và phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc đang là thách thức lớn của ngành lúa gạo Việt Nam.

Tồn kho gạo quá lớn trong khi xuất khẩu ảm đạm và phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc đang là thách thức lớn của ngành lúa gạo Việt Nam. 

 

Lượng lúa gạo trong nước tồn kho hiện khoảng 2,5 triệu tấn

 

CôngThương - Phụ thuộc thị trường Trung Quốc

 

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 12/6, các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đã xuất được 2,6 triệu tấn gạo, trị giá 1,188 tỷ USD (CIF). Thị trường châu Á dẫn đầu về số lượng và kim ngạch, tiếp theo là các thị trường châu Phi và châu Mỹ.

 

Tuy nhiên, trong tổng số gạo xuất khẩu nói trên, lượng gạo xuất qua thị trường trường Philippines (theo hợp đồng đã ký từ tháng 11/2013) chỉ khoảng 493 ngàn tấn. Các thị trường truyền thống khác như Singapore, Malaysia hầu như không có hợp đồng nào được thực hiện. Do vậy, lượng gạo xuất sang Trung Quốc vẫn là chủ yếu với trên 1 triệu tấn xuất chính ngạch và hơn 700 ngàn tấn tiểu ngạch. Điều này có nghĩa rằng, trong tổng số 2,6 triệu tấn gạo xuất khẩu từ đầu năm, lương gạo xuất sang Trung Quốc đã chiếm ít nhất vào khoảng 1,8 triệu tấn.

 

Theo một thương nhân xuất gạo đi Trung Quốc, hiện giá xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp trung bình (10-15% tấm) dao động khoảng 435-456 USD/tấn (tùy hợp đồng). Giá này không thấp hơn mức giá trúng thầu 800 ngàn tấn xuất sang Philippines nhưng điều kiện giao hàng đơn giản, thuận lợi hơn. Do đó, một số DN được phân chỉ tiêu xuất khẩu sang Phillipines đã tính đến việc trả lại hợp đồng tập trung để tự tìm kiếm khách hàng xuất thương mại nhằm cân đối kết quả kinh doanh, tránh lỗ .

 

Về vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty lương thực Thịnh Phát (Bến Tre)- cho biết, trong số 600 ngàn tấn Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký được với Philippines thì có 150.000 tấn bị DN trả lại; Vinafood1 trúng thầu 200 ngàn tấn nhưng hiện các DN tại Vinafood 1 cũng trả lại chỉ tiêu khoảng 5.000 tấn. Lý do các DN xin trả lại chỉ tiêu vì lo ngại các điều khoản giao hàng, chẳng hạn nếu DN xuất khẩu cung cấp gạo không đạt yêu cầu sẽ bị phía Philippines phạt theo tỷ lệ cấp số nhân: 1% tấm lố sẽ bị phạt 3 USD/tấn, 2% tấm lố sẽ phạt 6 USD/tấn.

 

Tồn kho cao    

 

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, tính đến thời điểm đầu tháng 6/2014 lượng gạo tồn kho của các DN xuất khẩu (tính cả lượng mới mua tạm trữ trong vụ đông xuân vừa qua) khoảng hơn 2,5-2,7 triệu tấn. Điều đáng nói là khoảng 2 tháng nữa lúa hè thu chính vụ tại các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ với lượng lúa dự kiến sẽ đạt khoảng 6 triệu tấn. Do vậy, áp lực tiêu thụ lúa trong dân sẽ tiếp tục là gánh nặng cho các DN.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, vụ hè thu năm nay mức giá thành sản xuất lúa bình quân tại các tỉnh ĐBSCL ở mức 4.370 đồng/kg, tăng 228 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2013. Như vậy, nếu muốn nông dân có lời 30% thì trong thời gian này các DN phải mua lúa nguyên liệu tối thiểu ở mức 5.700 đồng/kg. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại giá lúa thường thương lái mua tại ruộng ở một số tỉnh ĐBSCL chỉ khoảng 4.700- 4.900 đồng/kg. Dự báo giá lúa sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

Về phía các DN, do xuất khẩu ảm đạm, làm ăn thua lỗ nên việc đẩy mạnh thu mua sẽ rất khó. Cụ thể, do thua lỗ liên tiếp trong các năm 2012, 2013 vừa qua nên khoảng 20 DN thành viên của Vinafood 2 đang trong tình trạng kinh doanh bết bát. Những DN này gần như không dám mạo hiểm mua lúa gạo trong dân khi giá lúa trong nước ở mức cao vì sợ tiếp tục lỗ.

 

Như vậy, với áp lực tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với một số lượng gạo lớn sắp thu hoạch đang là thách thức lớn của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Câu hỏi đặt ra là ngành lúa gạo sẽ làm gì để thoát khỏi điệp khúc “được mùa - rớt giá” trong suốt nhiều năm nay đang được dư luận quan tâm.

 

Mai Ca

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến