Dòng sự kiện:
Xuất khẩu khoáng sản: Thông tư mới 'gây khó' cho doanh nghiệp lẫn đơn vị quản lý?
03/04/2019 13:39:29
Một thông tư mới thay thế thông tư cũ được cho là để tháo gỡ vướng mắc trong khâu xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Nhưng sau 8 tháng thực hiện, hiệu quả mà nó đem lại đang đi ngược với chủ trương ban đầu…

Bức tranh xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng sau 8 tháng thực hiện thông tư 05

Thông tư 05/2018/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2018 thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Giữa hai thông tư cũ và mới có một khác biệt khá dễ nhận ra, đó là thông tư số 04 quy định cụ thể hồ sơ xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng bao gồm nhiều giấy tờ như: Hồ sơ xuất khẩu hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan; Kết quả thí nghiệm phân tích các chỉ tiêu của khoáng sản và các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của khoáng sản… Trong khi đó thông tư 05 lại chỉ quy định: “Hồ sơ xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý ngoại thương”.

Thông tư 05 đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Trên lý thuyết, thông tư 05 được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế gọn nhẹ khi giảm thiểu nhiều giấy tờ làm hồ sơ cho doanh nghiệp so với thông tư 04. Tuy nhiên thực tế sau 8 tháng kể từ ngày có hiệu lực, thông tư 05 lại đang cho thấy những điểm chưa thỏa đáng gây vướng mắc cho cả cơ quan quản lý (Tổng cục Hải Quan) lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể,  theo thông tư mới, Hải quan sẽ không không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng minh nguồn gốc khoáng sản (như những gì thông tư 04 yêu cầu). Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ phải kiểm tra thực tế đối với tất cả lô hàng hóa khoáng sản làm vật liệu xây dựng khi được đưa đi xuất khẩu.

Đây chính là mấu chốt dẫn tới những vướng mắc.  Theo nhiều doanh nghiệp, trước đây, khi làm hồ sơ xuất khẩu họ đều xuất trình đầy đủ giấy phép chứng minh nguồn gốc, giấy phép khai thác chế biến cũng như hóa đơn đầu vào là đã có thể thông quan. Nhưng kê từ khi thông tư 05 chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 6827/TCHQ-GSQL, đã làm cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Sau 8 tháng thông tư mới đi vào hoạt động, các doanh nghiệp chỉ ra điểm bất cập như hàng tuần, từng đoàn xe container phải tập kết chờ đến lượt kiểm tra thực tế để thông quan. Hệ lụy dẫn tới là giao thông bị ách tắc, chi phí vận tải tăng, phát sinh vận chuyển từ các nhà máy về bãi kiểm hóa của Hải quan… và việc chậm tiến độ giao hàng nên bị khách hàng phạt do không đảm bảo thời gian giao hàng, thậm chí có đơn hàng đã bị đối tác hũy.

Thông tư 05 tiếng là giảm thiểu thủ tục rườm rà, nhưng thực tế lại khiến doanh nghiệp khó khăn cả về kinh tế lẫn thời gian khi phải kiểm tra thực tế từng container…

Cực chẳng đã, mới đây nhiều doanh nghiệp, hiệp hội khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có đơn kiến nghị gửi Tổng Cục Hải quan trình bày về những vướng mắc khi hàng hóa phải kiểm tra thực tế. Trong đơn, nhiều đơn vị đã dẫn chứng chi phí họ phải bỏ ra cho việc kiểm tra hàng hóa thực tế lên tới hàng trăm triệu đồng. Cá biệt, có đơn vị đã phát sinh từ số tiền này lên tới 1,7 tỷ đồng…

Cơ quan công quyền cũng than vướng mắc

Không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều Cục Hải quan cũng lên tiếng về khó khăn và vướng mắc khi phải thực hiện kiểm tra thực tế các lô hàng.

Theo đó, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đá vôi, cao lanh Pyrophillite…). Theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế tất cả các lô hàng xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Việc kiểm tra thực tế tất cả các lô hàng còn gây khó khăn cho các Cục hải quan.

Do công chức hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hóa những mặt hàng trên không đủ cơ sở xác định quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018, vì vậy, công chức  hải quan tại đơn vị tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Kiểm định hải quan 5 để giám định. Thời gian từ khi gửi mẫu đi đến khi có kết quả kiểm định đối với mặt hàng cao lanh Pyrophillite từ 3-6 ngày.

Tuy nhiên, theo quy định tịa điểm 2 công văn 6827/TCHQ-GSQL ngày 21/11/2018 của Tổng cục Hải quan, thời gian giám định để xác định sự phù hợp các quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật của cơ quan kiểm định hải quan không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu. Trong khi đó, phía Chi cục Kiểm định hải quan 5 cho biết, việc phân tích, kiểm định đối với mặt hàng này mất thêm nhiều thời gian do đây là loại hàng mới, phải có thiết bị phù hợp mới phân tích được, thâm chí phải đi thuê bên ngoài.

Thực tế trên gây kéo dài thời gian thông quan, làm phát sinh chi phí giữ container và lưu giữ tàu chờ bốc hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua theo dõi từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh thì thời gian qua cơ quan hải quan chưa phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm liên quan đến việc làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, kết quả kiểm định hải quan đều đúng khai báo của doanh nghiệp, doanh nghiệp chấp hàng tốt pháp luật.

Trước thực tế này, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đề xuất Tổng cục Hải quan thu thập, phân tích thông tin, thiết lập các tiêu chí để phân luồng vàng đối với các lô hàng xuất khẩu mặt hàng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về khai báo theo quy định pháp luật. Trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn thì chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa và chuyển kiểm tra sau thông quan đối với những lô hàng đã thông quan theo kế hoạch.

Cũng liên quan đến việc làm thủ tục đối với các lô hàng xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đang gặp vướng mắc đối với mặt hàng đá vôi xuất khẩu theo các công văn cho phép xuất khẩu của Bộ Xây dựng. Cụ thể, trong thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các công ty có công văn của Bộ Xây dựng cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu đá vôi có quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật không đáp ứng với quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc Phụ lục I Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 19/6/2018 của Bộ Xây dựng (có hàm lượng CaCO3 >85%).

Bộ Xây dựng cho phép các công ty được xuất khẩu khối lượng mặt hàng trên theo các hợp đồng xất khẩu đã ký với đối tác nước ngoài trước ngày 29/6/2018; trong đó, một số công văn có khối lượng còn lại được phép xuất khẩu, một số công văn là khối lượng theo các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài trước ngầy 29/6/2018.

Điều này gây khó khăn cho công chức hải quan trong việc xác định được chính xác số lượng hợp đồng, số lượng đá vôi trên hợp đồng được phép xuất khẩu (chỉ theo xuất trình và khai báo của doanh nghiệp).

Chưa kể, theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 thì hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan doanh nghiệp không phải xuất trình hợp đồng xuất khẩu.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Xây dựng khi có văn bản cho phép doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng trên thì cần thể hiện chi tiết số lượng hàng hóa còn lại được phép xuất khẩu để công chức hải quan thuận lợi trong việc theo dõi và thực hiện.

Trong một diễn biến liên quan, Cục Hải quan TP Hà Nội cũng có công văn số 3947/HQHN- GSQL ngày 18/12/2018, báo cáo Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc thủ tục xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo công văn 6827/TCHQ-GSQL.

Tại công văn này, Cục Hải quan TP. Hà Nội đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét, đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi khoản 18 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, bãi bỏ nội dung “việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời và hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến