Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, 10 tháng qua, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Bộ Công Thương đánh giá do hưởng lợi bởi giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu nông sản của cả nước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng đột biến. Trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu gạo lên tới 1,2 tỷ USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái - mức kỷ lục từ trước đến nay. Riêng trong tháng 10, lượng gạo nhập về tăng trên 200% so với tháng 10 năm ngoái.
Theo báo cáo cập nhật thị trường tháng 11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm nay, Việt Nam nhập khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với con số kỷ lục 3,2 triệu tấn, tăng thêm 300.000 tấn so với báo cáo hồi tháng 9. Con số này xếp sau Philippines 5 triệu tấn và Indonesia 3,7 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năm nay, Việt Nam nhập khẩu gạo 3,2 triệu tấn, tăng thêm 300.000 tấn so với báo cáo hồi tháng 9 (Ảnh: VGP).
"Dự báo nhập khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên mức cao kỷ lục dựa trên động thái tăng mua gạo từ Campuchia - nhà cung cấp chính của Việt Nam. Hiện, Việt Nam chiếm hơn 85% xuất khẩu gạo của Campuchia. Dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng 3,1 triệu tấn gạo, chủ yếu cũng từ Campuchia", USDA cho hay.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam sẽ giảm còn 7,35 triệu tấn. Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đã và đang triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Tác giả: Minh Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy