Gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, sức khoẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang được ví như “đèn đã cạn dầu”, trong khi dòng vốn vay tiếp sức vẫn trở nên xa vời…
Những chuyến xuất cảnh hiếm hoi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mùa Covid-19
Dịch liên miên, đã tới ngày cạn sức
Giữa những ngày làn sóng dịch thứ 4 căng như dây đàn, liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Minh Thanh, chuyên cung ứng lao động sang Nhật Bản, mới hay tin ông đang trong chuỗi ngày cách ly tập trung xa nhà.
“Dừng hết rồi, từ năm ngoái tới nay không làm ăn gì được nữa!”, ông Hồng chia sẻ.
Năm 2018 thành lập, tới 2019 Minh Thanh mới xin được giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động. Vừa “ngoi” ra thị trường thì dịch Covid-19 ập về, Nhật Bản tạm dừng tiếp nhận lao động ngoài nước, vậy là Minh Thanh cũng đóng cửa từ đó. “Bao nhiêu vốn liếng đều bị trôi hết rồi…, chắc không còn sức chờ tới ngày hết dịch”, vị giám đốc cám cảnh.
Những doanh nghiệp nhỏ, trung tâm môi giới xuất khẩu lao động tiềm lực mỏng, rơi vào tình cảnh đóng cửa “chết lâm sàng” bởi đại dịch Covid-19 như Minh Thanh nhiều vô kể. Số ít còn lại còn bám trụ được bởi xuất phát từ nền tảng đa dạng thị trường khai thác, song doanh thu hầu hết về 0, thậm chí nhiều thời điểm chấp nhận mức âm để duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Sekai, chuyên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và dịch vụ hỗ trợ du học Nhật, Hàn, Đức, Canada cho hay, hiện công ty đang còn tồn gần 1.000 thực tập sinh đã trúng tuyển sang Nhật Bản, đã được cấp visa song bị kẹt, chưa thể bay.
“Lao động không được bay đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có doanh thu. Tuy nhiên, áp lực lớn hơn tới từ phía người lao động khi hơn 50% trong số họ đã phải vay ngân hàng để nộp 2/3 chi phí (gần 200 triệu đồng/người). Tới nay đã gần 2 năm trôi qua, không thể gồng gánh được nữa nên đa phần xin rút hồ sơ, chấp nhận chịu phạt bởi phía đối tác tại Nhật Bản từ 20-50 triệu đồng/người”, ông Thắng nói.
Thị trường chính Nhật Bản tới nay vẫn đóng chặt cửa, niềm hy vọng được chuyển sang du học Hàn Quốc và xuất khẩu lao động sang châu Âu, song cũng không mấy sáng sủa.
“Doanh thu từ hoạt động du học Hàn Quốc vốn chỉ chiếm khoảng 30% song tại thời điểm dịch, dù liên tục tuyển sinh, chấp nhận cả khi 1 lớp có 1 thực tập sinh, song cũng vô cùng khó, nhiều tháng lợi nhuận rơi xuống mức âm. Tương tự, với thị trường châu Âu đòi hỏi chất lượng lao động cao nên dù đã mở cửa trở lại song nhu cầu không nhiều”, ông Thắng nói và cho hay, đại dịch đã ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh, không ai muốn đi khi chưa hết dịch.
Trước thông tin dự kiến tháng 9 tới Nhật Bản sẽ xem xét mở cửa nhận lao động, ông Thắng cũng không mấy hào hứng khi dịch dã vẫn đang căng thẳng, chưa thấy bất cứ tín hiệu nào từ phía các đối tác: “Vốn có bao nhiêu đã dốc cạn rồi, gần 2 năm nợ trong ngân hàng đã dồn lên tiền tỉ… Chặng đường phía trước còn mong manh lắm”!
“Chào thua” với điều kiện vay vốn ưu đãi
Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ có quyết định thực hiện gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Mặc dù là một trong những đối tượng được ưu tiên vay vốn ưu đãi khi chưa phải dừng hoạt động song tới nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn đang “ngóng” chính sách như “trời hạn mong mưa”.
“Nghe thấy đài báo nói nhiều, chúng tôi trông ngóng hàng ngày nhưng tới nay đã thấy gì đâu? Gần hai năm qua, khó khăn là vậy nhưng Sở LĐ, TB&XH cũng không mấy quan tâm, giờ gọi điện gặp còn khó. Chẳng bù cho những lời đon đả, tung hô ở vài năm trước khi ngành này còn đang vượng”, một doanh nghiệp tại TP Vinh, Nghệ An bức xúc.
Tuy nhiên, ngay cả khi được tiếp cận gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp cũng lắc đầu “chào thua”. Một lãnh đạo tập đoàn chuyên đào tạo và cung cấp nhân lực cho thị trường Nhật Bản, Đức chia sẻ, ông đã phải cầm cố 3 căn nhà để vay ngân hàng thương mại khoảng 10 tỷ đồng, trang trải qua ngày.
“7 năm hoạt động thì mất già nửa để khởi nghiệp, vốn tích luỹ thời gian còn lại không thể gánh đỡ khó khăn khi dịch bùng phát hết đợt này qua đợt khác. Hàng nghìn lao động đã trúng tuyển, đủ tư cách lưu trú tại Nhật nhưng không bay được. Mỗi khoá đào tạo trong thời hạn 6 tháng chỉ được phép thu 5,9 triệu đồng/người thì gần 2 năm qua vẫn phải duy trì để tránh bị đứt đoạn. Nói là mở lớp online phục vụ miễn phí nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương cho giáo viên, chuyên gia người nước ngoài, vẫn phải “ôm” tiền thuê mặt bằng lớp học, trụ sở…Dù đã cắt giảm nhưng bình quân mỗi tháng công ty vẫn phải chi khoảng 1 tỷ đồng”, vị này cho hay.
Lý giải chi phí hoạt động cao trong lúc nhiều doanh nghiệp cùng ngành chọn phương án “đóng cửa ngủ đông”, vị tổng giám đốc cho biết: “Khi dịch mới xảy ra, không ai ngờ sẽ dai dẳng và thiệt hại lớn đến thế, vậy nên chúng tôi cứ đoán sắp hết rồi, khi hết dịch có thể bung ra làm mạnh, đi tắt đón đầu. Thế nhưng tới lần dịch thứ 4 này thì thực sự kiệt quệ”.
Trong khi gánh nặng chi phí đè lên vai thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn phải đối mặt với các khoản nợ đọng khi nhiều đối tác nước ngoài gặp khó khăn.
“Chưa kể nợ đọng nguồn thu từ số lao động đang bị kẹt trong nước, nhiều đối tác vẫn đang khất nợ hàng tỷ đồng tiền phí quản lý lao động, vé máy bay đã ứng trước để đưa người sang làm việc…, đúng là “đã nghèo còn lắm cái eo”, khó chồng khó”, vị tổng giám đốc buồn bã.
Khi đã cạn sạch vốn, không còn nguồn nào trông cậy, vị lãnh đạo trên chủ động tìm tới gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Liên hệ tới Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông được chỉ sang Ngân hàng Chính sách.
Sau một hồi tìm hiểu mới vỡ lẽ không thể tiếp cận bởi không đủ điều kiện. Gói hỗ trợ chỉ cho vay để trả lương cho nhân viên nhưng với điều kiện phải duy trì đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tới thời điểm vay.
“Trong khi đó, khó khăn gần 2 năm, đã cắt giảm gần hết nhân sự, số còn lại cũng tình nguyện tạm dừng không đóng bảo hiểm. Vậy là xin chào thua với điều kiện!”, chủ doanh nghiệp này ngậm ngùi.
Từ vướng mắc, nhiều chủ doanh nghiệp kiến nghị Hiệp hội Xuất khẩu lao động và Cục Quản lý lao động ngoài nước cần “xắn tay” vào cuộc trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Chẳng hạn như thay vì căn cứ mức lao động được đóng bảo hiểm, cần căn cứ vào đầu visa đã được cấp, quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Để làm được, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải đóng vai trò trọng tài, chủ động xây dựng các thang điểm tiêu chí phối hợp với Ngân hàng Chính sách xét duyệt từng đối tượng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ, TB&XH cho biết, đơn vị này vừa ban hành văn bản gửi các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động về việc hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.
“Như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói, các điều kiện đã được mở hết rồi, tuy nhiên có thể trong quá trình triển khai không khó tránh được vướng mắc. Vì vậy, trong văn bản, chúng tôi đã nêu rõ sẵn sàng lắng nghe phản ánh để tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, tới nay chưa thấy doanh nghiệp nào lên tiếng, cũng có thể do chính sách còn mới quá, thời hạn thực hiện còn dài…”, ông Hương nói và cho biết, Cục vẫn đang kết nối với doanh nghiệp cập nhật tình hình khó khăn từ việc lao động hết hạn chưa về nước tới số lao động trong nước bị mắc kẹt thời gian qua...
Tuy nhiên, khi PV đề cập tới báo cáo cập nhật tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì câu trả lời nhận lại chỉ là cái lắc đầu của vị lãnh đạo trên!
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động. Trong đó Nhật Bản: 18.599 lao động, Trung Quốc: 765 lao động, Hàn Quốc: 502 lao động, Rumani: 432 lao động, Singapore: 265 lao động, Hungary: 239 lao động và các thị trường khác. Tính riêng tháng 6 năm nay, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh, tổng số là 883 lao động. Nguyên nhân hai thị trường chủ yếu tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Nhật Bản và Đài Loan tạm dừng nhập cảnh đối với lao động nước ngoài (Nhật Bản từ 15/1/2021; Đài Loan từ 19/5/2021 và thông báo mới tiếp tục tạm dừng nhập cảnh cho đến hết ngày 12/7/2021). |
Tác giả: Hoàng Ngân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy