Dòng sự kiện:
Xuất khẩu năm 2024 ngắm đích 377 tỷ USD
15/01/2024 12:26:56
Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 15 tỷ USD.

Các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất ngay từ đầu năm để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký, giao trong quý I/2024.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% (tương ứng 377 tỷ USD). Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 301,56 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ gồm:

Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 53 tỷ USD, giảm 8,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 43 tỷ USD, giảm 5,6%; hàng dệt may đạt ước đạt 33,22 tỷ USD, giảm 11,6%; giày dép các loại đạt 20,37 tỷ USD, giảm 14,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2%.

Duy nhất có hai mặt hàng thuộc 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2023 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cùng với phương tiện vận tải và phụ tùng, với mức tăng lần lượt là 3,3% và 14,6%, đạt lần lượt là 57,34 tỷ USD và 13,74 tỷ USD.

Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện, trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trước dự báo về thương mại toàn cầu năm 2024 còn nhiều khó khăn, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn, khủng hoảng tại biển Đỏ làm tăng cước phí vận chuyển hàng hóa, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Chỉ dấu thuận lợi là hoạt động xuất khẩu bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi từ các tháng cuối năm 2023. Cùng với việc khai thác tốt các FTA hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai các FTA với các thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam…

Ngoài ra, quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU là tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng.

Thừa nhận thị trường đã có tín hiệu tích cực hơn nhưng vẫn tiềm ẩn chưa bền vững, các doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời cho sản xuất và xuất khẩu.

Với ngành dệt may, từ mức độ cải thiện kinh doanh của quý IV/2023, giảm nhanh tồn kho, các doanh nghiệp đang hy vọng về đơn hàng ngành may sớm trở lại. Đối với ngành sợi kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào mức độ chính sách của Trung Quốc, do đó dự báo giá nguyên liệu bông, xơ sẽ thấp trong nửa đầu năm 2024.

Tác giả: Thế Hoàng

Theo: Báo Đầu Tư
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến