Lo ngại khả năng thanh toán khó khăn
Đánh giá về thị trường Nga, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam về xuất nhập khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga liên tục tăng những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015. Năm 2020, xuất khẩu (XK) nông lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD. Năm 2021, đạt khoảng 550 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị XK Việt Nam sang Nga. Trong đó, XK thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, cao su 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD…
Tuy nhiên, liên quan tình hình xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, cũng như các động thái trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngân hàng của Nga, cụ thể là mới đây Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) đã khiến các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội cho rằng, XK nông sản sang Nga và nhập khẩu vật tư nông nghiệp từ Nga về Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và lo ngại khả năng thanh toán gặp khó khăn.
Ở góc độ các DN XK nông sản, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam (doanh nghiệp đang XK xoài và một số rau củ, trái cây cấp đông sang thị trường Nga), cho biết việc xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, khi xảy ra giao tranh, các chuyến bay bị ảnh hưởng nên doanh nghiệp (DN) không thể làm cước, cũng như vận chuyển hàng hóa đến thị trường này. Bên cạnh đó, việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia giao dịch quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền của DN XK. Điều này có thể gây lo ngại và ảnh hưởng đến những đơn hàng trong thời gian tới của DN.
Nga là thị trường tiềm năng cho XK thủy sản Việt Nam với sức tiêu thụ lớn. Từ khi có Hiệp định EAEU mở ra cơ hội, cũng như thu hút sự quan tâm của các DN Việt Nam. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 1/2022, XK thủy sản sang Nga đạt 17 triệu USD, còn XK thủy sản sang Ukraine đạt 3,7 triệu USD (năm 2021 khoảng 29 triệu USD).
Theo ông Hòe, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch XK thủy sản, nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của DN đang làm ăn với thị trường này. Hiện có khoảng 50 DN Việt Nam được cấp phép XK thủy sản sang Nga. Có những DN đã giao hàng cho đối tác ở Nga, nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT… Thay vì các giao dịch tiền thể hiện dưới dạng tin nhắn SWIFT, sử dụng các thẻ thanh toán quốc tế, các DN phải thanh toán bằng một khối lượng tiền mặt lớn hay phải trả bằng vàng ròng.
Tương tự, Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, kèm theo đó là việc Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những DN đang có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa với Nga, trong đó có DN của ngành điều. Đáng chú ý, các DN gặp nhiều khó khăn về thanh toán, đặc biệt với khách hàng Nga vì SWIFT hiện là phương thức gửi điện phổ biến, được hầu hết các ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, bao gồm hạt điều một cách an toàn.
Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng khiến các DN sản xuất, kinh doanh phân bón lo lắng vì Nga hiện là một trong những thị trường cung cấp phân bón lớn cho Việt Nam. Ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang nhấn mạnh, hiện Nga là nhà XK phân bón NPK rất lớn cho Việt Nam. Do vậy, căng thẳng Nga - Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành phân bón, giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ khiến việc thanh toán với khách hàng Nga trở nên khó khăn.
Linh hoạt thay đổi phương thức thanh toán phù hợp
Trước những quan ngại đó, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho biết, hiệp hội này đang tính đến phương án hạ chỉ tiêu XK đặt ra cho năm 2022 là 3,8 tỷ USD, đồng thời đang cùng với các DN của hiệp hội bàn phương án ứng phó.
“Hiệp hội sẽ làm văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị giảm chỉ tiêu XK điều xuống 3,2 tỷ USD trong năm 2022. Trong XK điều, thị trường châu Âu chiếm khoảng 35% sản lượng. Hiện nay xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn thì tác động rất nhiều đến XK hạt điều trong năm 2022, do đó cần giảm chỉ tiêu xuống ở mức phù hợp với tình hình thực tế” - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công thông tin.
Từ nguy cơ gặp khó khăn trong thanh toán do Nga bị loại khỏi SWIFT, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có thông tin và hỗ trợ các DN để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Nga.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nếu Việt Nam có thể linh hoạt đồng ý thay đổi phương thức thanh toán của nước bạn, thì chúng ta có thể bán được nông sản với giá cao hơn. Những cơ hội xuất hiện trên thị trường rất nhanh và chỉ trong một thời gian ngắn, nếu khéo léo nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam sẽ thu được nguồn lợi không nhỏ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị, trước mắt các DN xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.
Vài nét về Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế
Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) được thành lập năm 1973 thay thế telex và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn. Chỉ riêng trong năm 2020, đã có khoảng 38 triệu giao dịch được thực hiện mỗi ngày thông qua nền tảng SWIFT, trị giá lên hàng nghìn tỷ USD. SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được điều hành bởi một hội đồng bao gồm 25 người, SWIFT tự coi mình là một “cơ quan trung lập”, được thành lập theo luật pháp Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu.
Tác giả: Nam Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy