Với tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, dự báo năm tới, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục làm nên chuyện.
Năm 2022 xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD. Ảnh: Cảnh Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 12/2022, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đạt 4,3 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay đạt khoảng 53,2 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021); mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm nay, ngành nông nghiệp có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/nhóm hàng. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2022, xuất siêu ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thành tích của ngành nông nghiệp có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã bám sát và điều hành, quản lý linh hoạt, thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, cũng như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu...
Cũng theo ông Tiến, trong 11 sản phẩm của ngành nông nghiệp có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD năm 2022, có 2 sản phẩm mới là phân bón, thức ăn và nguyên liệu thức ăn. Điều này khẳng định ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng về tái cơ cấu cũng như triển khai Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bền vững.
“Những con số tăng trưởng cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ nâu sang xanh, chuyển hướng khai thác sâu vào gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới biến động sâu sắc, việc tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục càng làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành, không chỉ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
“Ngành nông nghiệp cam kết sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa vào phát triển chất lượng sản phẩm trong năm 2023. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy cho người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật canh tác gắn với chuyển đổi số, chuyển từ sản xuất đơn giá trị sang đa trị. Toàn ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn". Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến |
Đặt mục tiêu lớn trong năm 2023
Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của ngành nông nghiệp, có thể thấy năm nay thủy sản trở thành “ngôi sao” sáng nhất giúp nông nghiệp có một năm bội thu. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Trong đó, cá tra lập kỷ lục 2,4 tỷ USD, cá ngừ đạt hơn 1 tỷ USD và tôm cán mốc 4,3 tỷ USD. Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...đều tăng trưởng hai con số trở lên.
Bước vào những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của thương mại toàn cầu, tình trạng lạm phát bắt đầu ngấm vào “hầu bao” của người dân tại một số thị trường lớn, dẫn đến đơn hàng xuất khẩu của ngành thủy sản có xu hướng giảm mạnh. Tuy vậy, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa thông báo sẽ mở cửa từ tháng 1/2023 được kỳ vọng sẽ giúp ngành thủy sản tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng đối với hàng thủy sản Việt Nam. Năm 2022, dù trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 90% so với năm ngoái.
“Dự báo sau khi mở cửa, nhu cầu thủy sản từ thị trường này sẽ bùng nổ giống như với thị trường châu Âu, Mỹ sau dịch COVID-19 trong các năm 2020 và 2021 và bù đắp được lượng đơn hàng sụt giảm từ các nước này. Đặc biệt, hiện tại số lượng DN xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc lớn nhất, tạo cơ hội cho các DN Việt dễ dàng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường hơn tỷ dân”, ông Hòe nói.
Ngành rau quả dự báo cũng sẽ “làm nên chuyện” trong năm 2023. Sau khi trải qua một năm thăng trầm khi giá trị xuất khẩu có thời điểm giảm tới gần 20% so với năm 2021, thời gian qua hàng loạt sản phẩm chính thức có “visa” xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như, thanh long, chanh leo, chuối, sầu riêng (sang Trung Quốc), bưởi (sang Mỹ, New Zealand); nhãn (sang Nhật Bản)…mở ra cơ hội cho xuất khẩu rau quả bùng nổ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực và trao đổi với các bộ, ngành, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD.
Để đạt được kết quả này, theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Tác giả: Dương Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy