Thời gian qua, hoạt động thương mại khu vực biên giới luôn diễn ra sôi động và phát huy hiệu quả. Kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu chiếm tỷ trọng lớn đã đảm bảo tốt cho biệc việc tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm thủy sản có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động giao thương vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tiểu ngạch nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho thương nhân và các doanh nghiệp.
Điển hình như trong những ngày gần đây, với động thái tăng cường kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, nhiều cặp cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc có nhiều lúc bị gián đoạn do phía Trung Quốc điều chỉnh quy trình kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu. Điều này đã khiến quá trình thông quan diễn ra chậm, lượng hàng hóa ùn tắc tăng cao trong điều kiện bảo quản không tốt đã khiến chi phí cũng như tổn thất của các đơn vị xuất khẩu gia tăng.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc thời gian qua vẫn tăng mạnh, song quá trình giao thương hiện cũng đang đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc khi phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác.
Động thái tăng cường kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các cặp cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc có nhiều lúc bị gián đoạn khiến việc thông quan hàng hóa gặp khó khăn.
Ngoài ra, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu và cũng là thế mạnh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng như chanh leo, sầu riêng, na... chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Bộ NN&PTNT và Công Thương cần đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chú trọng công tác đóng gói bao bì nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc và ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc”, ông Quỳnh kiến nghị.
Tương tự như Lạng Sơn, việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, Hải quan Trung Quốc vừa có Văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
“Khi văn bản có hiệu lực, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Bộ NN&PTNT, Công Thương cần sớm phổ biến cho các địa phương để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng; doanh nghiệp đáp ứng các quy định của phía bạn về bao bì, nhãn mác, chất lượng”, ông Khắng nhấn mạnh.
Hiện nay, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp rốt ráo thực hiện, hướng đến hoạt động xuất khẩu bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa và phương tiện, đặc biệt tại cửa khẩu khu vực biên giới.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch luôn có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều, so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch) tại các cặp chợ đường biên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trường hợp vì lý do khách quan chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, các thương nhân, DN chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng về địa chỉ tiêu thụ... Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Hàng hóa xuất khẩu chính ngạch luôn có khả năng thông quan thuận lợi hơn so với tiểu ngạch.
Tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, cần triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.
Cùng với đó, các địa phương khu vực biên giới cần nghiên cứu đề xuất chính sách đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đô thị và công nghiệp thương mại. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới.
Kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy