Các ngành hàng cần hoạch định bước chuyển để nâng cao năng lực cạnh tranh
Hành trang tươm tất trước hành trình mới
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngành da giày đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho chặng đường phát triển sắp tới. Chia sẻ về những thành quả đã đạt được, ông Vũ Quang Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, các DN da giày đã hội nhập sâu từ năm 1986 và đến nay toàn ngành có khoảng 1,5 triệu cán bộ công nhân viên. Kim ngạch xuất khẩu da giày liên tục tăng trưởng ở mức 15-20%/năm từ năm 1990 đến nay. Thứ bậc của ngành cũng luôn ở vị trí thứ 2-3 trong top đầu thế giới. Hiện nay, ngành da giày cũng đã tự chủ nguyên liệu trên 60%. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu da giày đạt trên 19 tỷ, thặng dư hơn 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, ngành da giày cũng đã chuyển mình thành công, từ công nghệ giản đơn đến nay đã tiếp cận ở mức ngang bằng và cao hơn thế giới. Một số hãng lớn như Nike đã sản xuất tới 50% tổng sản phẩm ở Việt Nam, Coach trên 60%. Đối với các ngành hàng xuất khẩu hiện nay, hầu như chỉ có DN FDI đầu tư vào trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), song riêng ngành da giày đã có trên 20% DN trong nước có tổ R&D riêng. Hiệp hội Da giày cũng đã thành lập trung tâm R&D tổng hợp để giúp cộng đồng DN nắm rõ và có điều kiện ứng dụng công nghệ của ngành vào hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên các DN trong ngành cũng dự cảm rằng quá trình cạnh tranh thời gian tới sẽ cực kỳ khốc liệt, đặc biệt khi nguồn cung lao động không còn là lợi thế. Các quốc gia xung quanh có cùng ngành sản xuất như Myanmar, Bangladesh, Philippines, Ấn Độ… có chi phí lao động bình quân 1 giờ bằng nửa Việt Nam.
“Chúng tôi nhận định đây là thời điểm cạnh tranh lớn, quyết liệt do sự dịch chuyển của các tập đoàn phân phối. Họ không muốn bỏ trứng vào một giỏ mà đa dạng nguồn cung. Vì vậy giai đoạn tới cần có giải pháp tổng thể”, ông Thuấn băn khoăn.
Đây cũng là trăn trở chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu, mặc dù Việt Nam vừa đi qua giai đoạn phát triển khá rực rỡ của lĩnh vực này, với tốc độ tăng trưởng giữ vững ở mức 2 con số, và thặng dư thương mại duy trì 3 năm liên tiếp. Tính chung trong quý I năm nay, xuất khẩu cũng tăng trưởng khá ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, mà theo nhiều nhận định là nhờ tác động của CPTPP.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả cơ hội xuất khẩu vào các thị trường này có thể chỉ nổi lên trong một thời gian ngắn, vì vậy DN Việt cần chủ động tận dụng nhanh, hiệu quả nhằm chiếm lĩnh ưu thế, đồng thời khai thác các thị trường này như cửa ngõ để tiếp cận hiệu quả các thị trường giàu tiềm năng tại từng khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, các FTA đã giúp Việt Nam xây dựng mối quan hệ bền vững với các nền kinh tế và quốc gia đối tác. Có 15/20 nước nhóm G20 đã có quan hệ thương mại với Việt Nam thông qua các FTA. Bước đi đầu tiên khi triển khai thực hiện FTA đã mang lại kết quả tích cực đối với xuất khẩu.
Cùng với đó, các ngành công nghiệp đã được hình thành và củng cố vai trò, đặc biệt các ngành có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh, đã khẳng định được vị trí trên phạm vi toàn cầu, như thuỷ sản đứng vị trí thứ 4, đồ gỗ thứ 5, dệt may, da giày thứ 2…
Nhiều khó khăn trước bối cảnh khắc nghiệt hơn
Những kết quả đạt được vẫn chưa khiến các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý yên tâm. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, ông cảm thấy nuối tiếc vì DN Việt Nam chưa tận dụng hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại, thể hiện ở tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA ở mức thấp.
Ông cho rằng DN đã điều chỉnh tốt để thích nghi và sinh tồn, nhưng lại thiếu năng lực tận dụng tối đa lợi ích tiềm tàng mà FTA mang lại. Trong khi đó, các DN FDI tận dụng tốt hơn so với DN nội địa, song lại chưa có sự gắn kết đáng kể giữa 2 khối DN này.
Đáng lo ngại là, bối cảnh sắp tới rất khác và cho tới nay nhiều dự báo đều chung xu hướng thị trường thế giới sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với giai đoạn vừa qua. Theo đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tuy chưa đi đến hồi kết, song chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc - công xưởng thế giới thay đổi. Trung Quốc đứng trước sức ép thay đổi hay là chết, vì vậy các DN sản xuất của nước này buộc phải cải thiện công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, vượt qua hàng rào thuế quan…
Nếu Trung Quốc làm tốt thì các hàng hoá tương tự của Việt Nam sẽ phải gia tăng cạnh tranh đáng kể. Cùng với đó là công nghệ cũ từ cuộc thải loại này sẽ trở thành bẫy công nghệ thấp với các DN Việt Nam. Đây là rào cản níu kéo DN trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến, bền vững và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, làn sóng biện pháp tự vệ thương mại đã hiển hiện rõ ràng hơn trong năm vừa qua và năm tới đây… Tất cả đều tạo nên những thách thức mới buộc DN Việt Nam phải thay đổi để đương đầu.
Đón đầu được các thách thức này, nhiều ngành hàng đã hoạch định những bước chuyển để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Vũ Quang Thuấn, thời gian qua các DN da giày đã kéo được nhiều tập đoàn phân phối đa quốc gia vào và thành lập được chuỗi cung ứng. Ngành công nghiệp hỗ trợ với ngành này đã có, vấn đề hiện nay là làm thế nào để các thành phố lớn có trung tâm kho vận và triển lãm đúng tầm để tạo đà phát triển công nghiệp thời trang mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Ông cho rằng, cần tập trung phát triển theo hướng các thành phố lớn đi sâu vào trung tâm thương mại, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kho vận và logistics. Cùng với đó, dịch chuyển các dây chuyền sản xuất cần nguồn nhân công lớn về các địa phương kém phát triển hơn. Cùng với đó, phải đào tạo lực lượng chuyên gia thiết kế, nghiên cứu phát triển, thay thế chuyên gia nước ngoài.
Ông Achim Fock - quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang tiếp tục nổi lên là một cường quốc xuất khẩu với tỷ lệ thương mại trên GDP đạt gần 200%, tăng từ mức 70% năm 2007, và cao nhất trong số các nước thu nhập trung bình trên thế giới. Các NĐT nước ngoài đang dọn đường để gõ cửa Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay chính là thúc đẩy hơn nữa mô hình xuất khẩu theo định hướng của khối FDI và tạo điều kiện cho nhiều DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên trường quốc tế, Việt Nam sẽ cần lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, và thay đổi mô hình thương mại toàn cầu, công nghệ đột phá và đổi mới nhanh chóng. Đây vừa là cơ hội song cũng đồng thời tạo ra những rủi ro mới.
Để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài, ông cho rằng Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hoá các quan hệ thương mại, tăng cường hơn nữa hội nhập khu vực và toàn cầu cả về chiều rộng và chiều sâu. Cùng với đó, vẫn còn nhiều việc cần làm để giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đấu thầu công, quan hệ lao động và tự do hoá thương mại dịch vụ. Những cải cách này không chỉ giúp giảm chi phí thương mại mà còn góp phần hiện đại hoá khung pháp lý và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Một vấn đề khác mà WB khuyến nghị là cần tăng cường cơ sở hạ tầng kết nối và hậu cần để giúp giảm chi phí thương mại và nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Kể từ năm 2000, khối lượng hàng hoá đã tăng với tốc độ gần 10%/năm, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình 6,4%/năm. Sự tăng trưởng nhanh chóng về khối lượng vận tải này đặt ra nhu cầu lớn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao và phức tạp về các dịch vụ vận tải và hậu cần.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy