Chiều 17/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Y tế về công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Phó thủ tướng về kết quả thực hiện cơ chế một cửa. Ảnh: Ngọc Tân.
Báo cáo với Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tháng 11 vừa qua Bộ đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính.
Bộ Y tế đã cắt giảm 1.363/1871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%).
Cuối năm 2018, Bộ sẽ kết nối tiếp 10 thủ tục hành chính; 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1/2019.
Bên cạnh việc báo cáo kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ ra một số bất cập cần được Chính phủ tháo gỡ, trong đó có quy định của lập mã HS với mẫu bệnh phẩm.
Trong quyết định số 1254/QĐ-TTg về kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phải xây dựng danh mục Mẫu bệnh phẩm kèm theo mã hàng hóa HS.
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng bãi bỏ yêu cầu này.
Mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm bao gồm mẫu máu, huyết thanh, huyết tương, nước tiểu, dịch cơ thể người... và các mẫu bệnh phẩm khác từ người có chứa các chất lây nhiễm, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người khác nhau. Ảnh minh họa.
Bộ Y tế khẳng định mẫu bệnh phẩm không cần thiết phải kiểm tra chất lượng và cũng không thể kiểm tra được do quá nhiều chủng loại. Tính riêng số vi khuẩn, virus nhận diện được theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ là hơn 3.400 đối tượng, chưa kể nấm, ký sinh trùng và các vi sinh vật khác.
Từ trước đến nay, Bộ Y tế đã quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm nhằm mục đích nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và dự phòng, không bao gồm mục đích thương mại.
Theo cách hiện hành, mẫu bệnh phẩm muốn thông quan không cần kiểm tra số đăng ký hay chất lượng mẫu bệnh phẩm, chỉ cần kiểm tra giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm, giám sát điều kiện bảo quản vận chuyển mẫu bệnh phẩm và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế khi đủ các điều kiện theo quy định.
Có nhiều nguyên nhân khiến mẫu bệnh phẩm trở thành món hàng xuất nhập khẩu, trong đó có trường hợp bệnh nhân hoặc cơ sở y tế muốn đưa mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài để xét nghiệm kỹ hơn.
Tại buổi họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận nội dung kiến nghị của lãnh đạo Bộ Y tế. Đại diện Chính phủ cho rằng vướng mắc của Bộ Y tế gồm có nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần phải phối hợp liên ngành để giải quyết.
"Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các bộ quản lý chuyên ngành và Tổng cục Hải quan để có báo cáo chính thức. Nếu báo cáo thỏa mãn thì sẽ điều chỉnh nghị định", Phó thủ tướng khẳng định.
Theo Zing.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy