Dòng sự kiện:
Xuất nhập khẩu 'vụt sáng', mục tiêu 660 tỷ USD đã rất gần
25/12/2021 15:08:24
Tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2021 đạt 633,22 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa giữ vững “vị thế” xuất siêu 1,67 tỷ USD…

Tính đến hết ngày 15/12/2021, cả nước xuất siêu 1,67 tỷ USD.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2021 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2021) đạt 31,32 tỷ USD, giảm 4,3% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2021.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2021 đạt 633,22 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 117,89 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 440,15 tỷ USD, tăng 25,4% (tương ứng tăng 89,23 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 193,07 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 28,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ 1 tháng 12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 250 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dự 1,67 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu một số nhóm hàng tăng cao

Trong kỳ 1 tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,78 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 11/2021.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm trong kỳ 1 tháng 12/2021 so với kỳ 2 tháng 11/2021, gồm: điện thoại các loại và linh kiện giảm 445 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 367 triệu USD; sắt thép các loại giảm 152 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 116 triệu USD…

Tuy vậy, trong kỳ 1 tháng 12/2021 tiếp tục ghi nhận sự phục hồi khá tốt của một số nhóm hàng như gỗ, sản phẩm từ gỗ; dệt may với mức trị giá tương đương kỳ 2 tháng 11/2021, mặc dù số ngày làm việc ít hơn.

Như vậy, tính đến hết 15/12/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% tương ứng tăng 50,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 10,5 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 6,36 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,71 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,38 tỷ USD...

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2021 đến 15/12/2021 và cùng kỳ năm 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 12/2021 đạt 11,6 tỷ USD, giảm 8,5%, tương ứng giảm 1,07 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 11/2021. Tính đến hết ngày 15/12/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 232,2 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 40,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Fdi chiếm 65,9% tổng trị giá nhập khẩu

Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,53 tỷ USD, tương đương so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2021.

Trong đó có một số nhóm hàng tăng như dầu thô tăng 160 triệu USD; hóa chất tăng 83 triệu USD... và một số nhóm hàng giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 191 triệu USD; ngô giảm 111 triệu USD…

Như vậy, tính đến hết 15/12/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 315,78 tỷ USD, tăng 27,3%, tương ứng tăng 67,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,25 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 3,3 tỷ USD…

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2021 đến 15/12/2021 và cùng kỳ năm 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,86 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 576 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 11/2021. Tính đến hết ngày 15/12/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 207,95 tỷ USD, tăng 30,5% (tương ứng tăng 48,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 dự báo sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này.

Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19. Theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN,… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Tác giả: Mạnh Đức

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến