Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài làm giảm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu. Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả đầu vào nhiều mặt hàng tiếp tục tăng, nhất là xăng, dầu, phân bón, hoá chất… ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn đạt tăng trưởng cao (với mức tăng 17,3%) và tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại, có xuất siêu.
Nếu tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 1,3 tỷ USD, thì đến hết tháng 6 đã ghi nhận con số xuất siêu nhẹ, ở mức 710 triệu USD trong 6 tháng đầu năm.
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của Việt Nam và những thị trường mà chúng ta có ký kết Hiệp định thương mại tự do cũng tăng trưởng khá. (Ảnh minh họa: KT)
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ vào sự gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ của hầu hết các ngành hàng, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như dầu thô, than đá cũng góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm.
"Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu nhiên liệu. Với sự căng thẳng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine đã góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới lên.
Một mặt thì chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu và điều đó cũng ảnh hưởng về giá trị nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng này. Mặt khác chúng ta xuất khẩu dầu thô và than đá, trong 6 tháng đầu năm dù lượng xuất khẩu các mặt hàng này giảm nhưng giá trị xuất khẩu vẫn gia tăng, điều này cho thấy một sự cân bằng ở mức tương đối trong cán cân xuất khẩu và nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng và nhiên liệu…" - ông Hải cho biết.
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ (Tổng cục thống kê), việc các doanh nghiệp duy trì được các thị trường truyền thống lớn, và tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cũng đã cho kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo ông Phong: "Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của Việt Nam và những thị trường mà chúng ta có ký kết Hiệp định thương mại tự do cũng tăng trưởng khá, như Mỹ đạt 55,9 tỷ USD tăng 22,5 %; EU 23,6 tỷ USD, tăng 21,6 %; Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7 %.
Cùng với các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam duy trì tăng trưởng cao thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự khởi sắc trong thời gian tới…".
Mặc dù vậy, đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm mà doanh nghiệp cần quan tâm, theo dõi để có các phương án điều chỉnh kịp thời.
Trong đó, phải kể đến tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… Bởi, việc lạm phát tăng cao sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vì nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta hiện nay đang hướng đến những mặt hàng tiêu dùng của đại đa số dân số.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh yếu tố biến động về giá cả của các mặt hàng nhiên liệu và các mặt hàng cơ bản có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp.
"Vấn đề chi phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng cao làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Một mặt thì chuỗi cung ứng được hồi phục sau khi kiểm soát dịch, nhưng một mặt thực trạng chi phí về nhiên liệu lại làm cho giá thành vận chuyển về tổng thể tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố cũng sẽ có tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta…" - ông Hải nhấn mạnh.
Giá dầu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí trong hoạt động logistics. (Ảnh minh họa: KT)
Ngay cả những mặt hàng cho giá trị xuất khẩu lớn, tăng trưởng mạnh của ngành nông nghiệp như xuất khẩu thủy sản tăng tới 39,6% trong 6 tháng đầu năm nhưng cũng được dự báo sẽ gặp khá nhiều khó khăn, bất lợi trong thời gian tới.
Đó là khẳng định của ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra mới đây.
Theo ông Trần Đình Luân: "6 tháng cuối năm theo dự báo sẽ không thuận lợi như những tháng đầu năm bởi hiện nay đã vào mùa mưa bão; giá dầu tăng ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực khai thác. Trong nuôi trồng chế biến thủy sản giá vật tư cũng tăng cao.
Về vấn đề này Tổng cục đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào vật tư, thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp đã có lợi nhuận hàng chục năm nay, nhưng đến thời điểm này tiếp tục tăng giá, vấn đề này cần phải có sự đồng hành cùng nông dân để tối ưu hoạt động sản xuất nếu không sẽ khiến chuỗi cung ứng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu…".
Giá cả nguyên/nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nguy cơ nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam đã được nhiều chuyên gia cảnh báo cần có những biện pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Việc kéo giảm chi phí sản xuất và lưu thông trong đó giảm chi phí trong hoạt động logistics là vấn đề đặt ra trong cả ngắn và dài hạn.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tuân thủ và coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường “khó tính” cho giá trị xuất khẩu cao. Cùng với việc tận dụng lợi ích của các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng cần có những ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại mà hiện nay nhiều quốc gia đang đưa ra như là một hàng rào mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là lời khuyên của chuyên gia và nhà quản lý tới doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý trong hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới../.
Tác giả: Nguyên Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy