Dòng sự kiện:
Chuyện tình cảm động về những 'trái tim không khuyết tật' ở xứ Thanh
27/07/2017 18:39:31
Chiến tranh đi qua đã lấy mất gần như toàn bộ sức khỏe, sức trẻ của người cựu binh Ngọ Duy Khanh, nhưng số phận đã bù đắp cho ông một niềm hạnh phúc vô bờ bằng tình yêu của người vợ hiền.

Nỗi đau của chiến tranh

Chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, thế nhưng di chứng của chiến tranh chính là những nỗi đau âm ỉ và dai dẳng kéo dài đối với hàng nghìn người và hàng vạn gia đình trên đất nước này.

Trong số những người lính trẻ còn may mắn sống sót trở về từ mặt trận biên giới Tây Nam năm 1979, có ông Ngọ Duy Khanh (SN 1959), quê ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Trong cuộc chiến tàn khốc ấy, ông Khanh đã phải mất mát một phần máu thịt của mình nơi chiến trường. Chiến tranh khép lại, người lính trẻ trở về quê hương với những vết thương đầy mình trên cơ thể. Suốt gần 30 năm qua, ông đã phải nằm liệt giường vì di chứng của vết thương thời chiến trận.

 
Do những di chứng của chiến tranh, suốt 28 năm qua ông Khanh chỉ có thể nằm một chỗ

Thiệt thòi về thể xác là vậy, nhưng số phận lại bù đắp cho ông bằng một niềm hạnh phúc vô bờ khác mà không phải ai cũng may mắn có được. Đó chính là tình yêu thủy chung, son sắt của người phụ nữ chịu thương, chịu khó, nguyện “nâng khăn, sửa túi” suốt một đời cho ông không quản ngại vất vả. Người phụ nữ này chính là vợ ông, bà Dương Thị Hạnh (SN 1960).

Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, khi chiến tranh biên giới tây nam nổ ra, người thanh niên Ngọ Duy Khanh tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tháng 3/1979, ông bị địch bắn tỉa đạn xuyên thấu phổi, trúng cả bả vai, xương sườn. Sau khi bị trọng thương, đơn vị đã chuyển ông đi chữa trị khắp các bệnh viện ở khu vực Bắc Trung Nam. Mặc dù đã qua cơn thập tử nhất sinh, nhưng sức khỏe của ông cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

Trong thời gian trị thương, ông Khanh tình cờ gặp người đồng đội, đồng thời cũng là đồng hương xứ Thanh tên Dương Văn Long cũng phải nhập viện chữa trị vết thương. Hai người nhanh chóng kết bạn thân. Quý mến người bạn hiền, ông Long đã tỏ ý muốn làm mai mối ông Khanh với người em gái ruột đang ở quê. Được lời như cởi tấm lòng, ông Khanh chủ động xin địa chỉ viết thư gửi về làm quen với người thiếu nữ 19 tuổi Dương Thị Hạnh, lúc ấy đang ở quê nhà huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

 
Số phận đã bù đắp cho ông Khanh bằng tình yêu của người vợ hiền

Bà Hạnh xúc động nhớ lại, khi nhận được thư của người con trai xa lạ gửi, bà rất ngạc nhiên. Nhưng thấy giới thiệu là bạn của anh trai thì bà cũng viết thư hồi âm. “Một thời gian sau, anh ấy gửi cho tôi một tấm hình. Thấy cũng đẹp trai nhưng lúc ấy vẫn chưa nảy sinh tình cảm gì cả”, bà hồi tưởng lại.

Được dịp ôn lại kỷ niệm cũ, ông Khanh bồi hồi kể, đến năm 1981, đoàn của ông cùng ông Long chuyển về Đoàn an dưỡng thương binh 585 Tây Hồ ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Lúc này, bà Hạnh từ quê miền núi Lang Chánh mới xuống thăm anh trai.

Vậy là lần đầu tiên hai con người trẻ tuổi gặp nhau sau nhiều lần thư từ qua lại. Sẵn có cảm tình qua những lời lẽ trong thư, được tận mắt nhìn thấy nhau ở ngoài đời thực khiến cả hai hồi hộp và có nhiều bối rối. Nhưng rồi họ cảm mến nhau và nhanh chóng kết lại chuyện tình bằng một đám cưới giản đơn chỉ hai tuần sau đó.

"Chúng tôi có thời gian trò chuyện, hiểu nhau hơn. Tình yêu đơm hoa kết trái lúc nào không hay", ông Khanh hạnh phúc nói. Lễ cưới những năm đất nước còn nghèo nàn ấy vô cùng giản dị. Không ồn ào, tưng bừng như bây giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là không hạnh phúc. Ai nấy đều vui mừng, chúc phúc cho đôi trẻ. Thế nhưng có điều đáng tiếc rằng, chú rể lại không thể tận tay mình đến nhà rước cô dâu vì thương tật, nên chỉ có thể ngồi phấp phỏng ở nhà chờ đợi.

Ông Khanh vui vẻ nhớ lại: “Tôi què chân không thể đi rước dâu nên nhiệm vụ thiêng liêng này đành trông cậy vào anh em họ hàng đạp xe hơn 80 km đi đón dâu thay tôi”.

“Chỉ có vợ mới hiểu, chồng đau đớn nhường nào”

Những năm đầu hôn nhân, dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng hai người luôn hạnh phúc, tâm đầu ý hợp. Cuộc hôn nhân của ông bà càng như viên mãn khi hai người con, một trai, một gái lần lượt chào đời.

Thế nhưng hạnh phúc chẳng được lâu, bà Hạnh nhớ lại, đến cuối năm 1989, vết thương từ thời chiến tranh của ông Khanh lại tái phát trầm trọng. Ông không thể đi lại được nữa mà phải nằm một chỗ, càng không thể làm bất cứ việc gì. Mỗi năm ông phải nhập viện hàng chục lần và phải cắt bỏ luôn cánh tay phải.

 
Suốt nhiều năm, ông bà vẫn luôn ân cần chăm sóc nhau

Ông Khanh trở thành thương binh hạng nặng, mất 95% sức khỏe. Mọi gánh nặng cơm áo, chăm sóc chồng con từ đó dồn hết lên đôi vai người vợ trẻ. Bao nhiêu khó khăn chồng chất, nhưng hai người luôn làm chỗ dựa cho nhau, nương tựa vào nhau để vượt qua tất cả mà chưa từng một lần than vãn.

Đã 28 năm trôi qua, ông Khanh vẫn chỉ nằm liệt giường, những đứa con lớn lên rồi dựng vợ gả chồng, trên mái đầu hai người tóc đã pha sương, thế nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn luôn bền bỉ, thủy chung và son sắt như thuở đầu gặp gỡ.

Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Hạnh làm nghề bán nem. Hàng ngày, vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ cơm nước, tắm rửa, xoa bóp cho chồng đỡ mỏi vì nằm quá lâu. Trong những lúc gần nhau, họ kể nhau nghe những chuyện vui, buồn thường nhật, ôn lại những kỉ niệm thời xưa cũ, có khi cùng cười, cùng khóc. Bao nhiêu năm nay, ngày nào ông bà cũng luôn ân cần, chu đáo với nhau như vậy.

Ông Khanh xúc động bày tỏ: “Số phận tôi thật may mắn vì đã gặp được bà ấy. Bao nhiêu khó khăn, gian khổ khi bên tôi mà bà ấy chưa một lần trách than”. Để bày tỏ tình yêu sâu nặng với vợ, ông Khanh thường ngẫu hứng đọc những vần thơ cho bà Hạnh nghe: “Chỉ có vợ mới hiểu, chồng đau đớn nhường nào. Chỉ có chồng mới biết, vợ vất vả làm sao”.

Lương Thị


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến