Đây là đề xuất mang tính chiến lược trong cuộc “trường chinh” phòng chống đại dịch Covid-19, song lại chia dư luận ra làm nhiều chiều.
Gia tăng nguồn cung, cải thiện dịch vụ
Ở chiều phản biện, có luồng ý kiến cho rằng, chưa nên cho phép dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 vì sẽ làm lộ rõ hơn sự “bất bình đẳng xã hội”. Những bệnh nhân có điều kiện khá giả sẽ được điều trị tốt hơn trong khi số đông bệnh nhân còn lại thì không thể tiếp cận dịch vụ với chất lượng như ý muốn.
Song ở chiều ủng hộ, luồng ý kiến chủ đạo cho rằng, kiến nghị từ thực tiễn tại cơ sở của TP HCM là rất đáng quan tâm, nhất là khi sáng kiến này tổng hợp kiến nghị của các cơ sở y tế tư nhân và đề nghị từ Sở Y tế của TP.
Luồng ý kiến đồng thuận cho rằng, việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân Covid-19 thu tiền theo khả năng chi trả của người sử dụng sẽ giúp tổng phúc lợi của cả xã hội tăng lên.
Việc tham gia của khu vực tư nhân sẽ giúp gia tăng nguồn cung và cải thiện dịch vụ tốt hơn so với việc chỉ bệnh viện nhà nước cung cấp hiện nay. Hơn nữa, khi các cơ sở y tế tư nhân tăng năng lực điều trị bệnh Covid-19 và một số lượng đáng kể những người có khả năng chi trả chuyển sang dịch vụ y tế tư thì sẽ có thêm chỗ cho những bệnh nhân Covid-19 có nhu cầu sử dụng y tế công.
Cứu người như cứu hỏa
Là một trong những người liên quan nhất, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ vô cùng hi vọng vào đề xuất của TP HCM. Ông nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này và mong muốn chính sách này được thông qua càng sớm càng tốt để hệ thống bệnh viện tư nhân cùng tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19”.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Đệ cho biết, kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, nhiều bác sỹ, nhân viên y tế của các bệnh viện tư nhân đã xung phong vào TP HCM và một số tỉnh xung quanh để tham gia chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19, cùng đồng hành với đồng nghiệp ở các bệnh viện công.
“Vào đó là đối diện với khó khăn và nguy hiểm, nhưng các bác sỹ, nhân viên của các bệnh viện tư nhân có tinh thần rất cao để cùng Chính phủ chữa bệnh”, ông nói. Các bệnh viện tư nhân vẫn chi trả lương, thậm chí tăng lương cho các bác sỹ, nhân viên y tế này.
“Cứu người như cứu hỏa và nhiều bệnh viện tư nhân không tính toán thiệt hơn, dồn người và lực cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân phía Nam. Song, hệ thống y tế tư nhân không thể đi đường dài nếu Nhà nước không có cơ chế cho phép chúng tôi cung cấp dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19”, ông nói.
UBND TP HCM cho biết, theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng thanh toán chi phí để được chữa trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách. Do đó, các cơ sở y tế tư nhân đề nghị được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đây là điều ông Đệ hoàn toàn chia sẻ. Ông kể, gần đây ông nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các bạn bè bị dương tính với Sars-Cov-2 từ TP HCM là những người có khả năng chi trả dịch vụ điều trị. Tuy nhiên, không có bệnh viện công nào nhận họ vào vì tình trạng quá tải và cầu cứu ông giúp đỡ.
“Giữa cái sống và chết, họ nói tha thiết, anh ơi giúp chúng em với mà khó quá”, ông nói.
Xuất phát từ thực tế đó, ông Đệ cho rằng, “thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19” như TP HCM đề xuất sẽ giúp đáp ứng nhu cầu rất chính đáng của những bệnh nhân này.
“Nhà nước hãy cho chúng tôi cơ chế tài chính để tham gia điều trị bệnh Covid-19, và có thiết chế đảm bảo công khai, minh bạch về giá để tránh tình trạng lợi dụng ‘chặt chém’ bệnh nhân. Lúc đó, các cơ sở y tế tư nhân mới có nguồn lực để mua thuốc tốt, nâng cao dịch vụ chăm sóc bệnh nhân”, ông Đệ kiến nghị.
UBND TP HCM cho biết, qua khảo sát và ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua cùng một loại thuốc, vật tư y tế... cao hơn giá các cơ sở y tế công lập phải trả. Cơ số sử dụng vật tư (khẩu trang, đồ bảo hộ) và khoản lương chi trả cho nhân viên y tế tại cơ sở tư nhân cũng cao hơn nhiều lần khối công lập.
Theo UBND TP HCM, trường hợp bệnh nhân tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị (không dùng ngân sách nhà nước), cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo cam kết của bệnh nhân để trang trải chi phí.
Ông Đệ ủng hộ đề xuất này: “Nhà nước không quản về giá là phù hợp với thị trường, với lòng dân. Bệnh viện tư cũng không thể thu phí quá cao vì người bệnh sẽ tự quyết định, lựa chọn”.
Ông cho rằng, phòng chống dịch Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ vì virus Sars-Cov-2 có thể còn tồn tại lâu dài, vì thế hệ thống y tế, cả công và tư, phải được huy động mới có thêm nguồn lực.
TP HCM đang là tâm dịch với số mắc và tử vong cao nhất cả nước. Kiến nghị của TP xuất phát từ thực tế là rất đáng ủng hộ. Chúng ta đã theo kinh tế thị trường, ngành y tế đã nâng giá dịch vụ y tế cho đồng điệu với giá thị trường, hệ thống các cơ sở chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép hoạt động, Chính phủ đã cho phép và khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin và thuốc chữa Covid-19.
Trên nền tảng đó, cần ủng hộ đề xuất của TP HCM vì sức khỏe người dân chứ không sợ bất bình đẳng xã hội trong một cuộc chiến chưa biết lúc nào kết thúc.
Tác giả: Tư Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy