Chính phủ mới ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP (NĐ 117) có hiệu lực từ ngày mai 1/11 và thay thế thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 về giữ bí mật thông tin khách hàng. Theo đó, những điểm nổi bật của Nghị định này là ngoài các cơ quan liên quan đến ngành toà án, viện kiểm soát, kiểm toán, thuế thì các cá nhân khác của cơ quan nhà nước được pháp luật có liên quan quy định có thẩm quyền ký văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng cũng được ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
Nếu chiếu theo Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 về giữ bí mật thông tin khách hàng, thì Nghị định 117 đã có sự mở rộng thẩm quyền của các cơ quan, các chức danh trong việc yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin.
Ngân hàng không được cung cấp thông tin khách hàng cho ngân hàng khác
Trao đổi với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico, cho biết nếu ngày xưa, giám đốc hay phó giám đốc công an cấp tỉnh trở lên mới được yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng thì đến nay tất tật mọi cấp đều có thể làm điều này.
"Ngày xưa ít người được yêu cầu thì nay gần như ông nào cũng có quyền, vì quy định này gần như là mở hết cỡ những cá nhân được tham gia yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng", luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm, bên cạnh những cái mở thêm thì lại có những cái bớt đi. "Tôi lấy ví dụ như tổ chức Bảo hiểm tiền gửi hay các tổ chức tín dụng là không được yêu cầu các tổ chức tín dụng khác cung cấp thông tin khách hàng. Nghị định trước đây thì cho phép những tổ chức này lấy thông tin từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác".
Vậy theo ông, sự thêm bớt này có hợp lý hay không? Và theo thông lệ quốc tế thì có phù hợp không?
Nói về sự mở rộng thẩm quyền của các cơ quan, các chức danh trong việc yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin. Theo tôi điều này cũng là hợp lý bởi khi mở rộng thẩm quyền hay chức danh trong việc yêu cầu NH cung cấp thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước thực thi chính sách, quản lý thị trường…không phải hơi vướng một chút tận cấp xã, cấp huyện mà cứ phải kéo cấp tỉnh, cấp trung ương vào cuộc. Như thế có thể mất nhiều thời gian và công sức.
Tuy nhiên việc tổ chức tín dụng và bảo hiểm tiền gửi không được yêu cầu cung cấp thông tin như quy định trước đây, tôi cũng thực sự chưa hiểu lý do nào để đưa ra cái quyết định này. Vì trên thực tế, tại các quốc gia phát triển bảo hiểm tiền gửi là 1 trong những tổ chức quan trọng được yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức này. Để từ đó làm cơ sở đánh giá khách hàng, dữ liệu thông tin cho toàn hệ thống ngân hàng. Điều này là vô cùng quan trọng.
Theo thông lệ quốc tế thì các ngân hàng chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng nếu như có lệnh của tòa án. Hay một vài cơ quan chức năng quản lý ngành ngân hàng chẳng hạn như NHNN hoặc cơ quan bảo hiểm tiền gửi quốc gia. Nguyên tắc là chỉ khi nào tòa án ra lệnh hay liên quan đến những vụ kiện thì lúc bấy giờ các ngân hàng phải tiết lộ thông tin bí mật hay các cơ quan quản lý ngành ngân hàng mới có quyền thôi. Phạm vi rất hẹp thành ra khách hàng được bảo vệ tối đa quyền riêng tư của họ.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta đang đi ngược với thông lệ quốc tế. So với quốc tế, bộ máy của mình nó rộng. Ví dụ như viện kiểm soát nước ngoài họ không có chẳng hạn. Công an thì cũng chỉ có 1 vài chức vụ trong khi chúng ta có “ti tỉ” chức vụ liệt kê vào đấy. Thuế hay Hải quan cũng tương tự. Nên việc chúng ta mở rộng là chuyện bình thường, không có bất cập gì cả. Chỉ có điều là các tổ chức tín dụng mệt hơn thôi chứ từ trước đến giờ cũng na ná như thế, thêm một tý bớt đi một tý cũng không thành vấn đề gì, có quan trọng gì đâu.
Có nguy cơ dẫn tới vi phạm quyền riêng tư con người
Vậy ông đánh giá sao khi cũng có những quan điểm cho rằng, việc mở rộng đối tượng được yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin có thể dẫn tới tình trạng lạm quyền?
Mỗi chính sách luôn tồn tại 2 mặt, có thuận lợi thì cũng có thách thức. Ví dụ như một ông nào đó được phép ký văn bản giấy tờ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng A có tài sản như thế nào chẳng hạn. Ông này có thể nhân danh cơ quan Nhà nước mình đang công tác để tìm kiếm thông tin vì mục đích riêng chứ không vì mục tiêu chung nào đó thì rõ ràng là không ổn. Có thể dẫn tới những vi phạm về quyền riêng tư của con người, sự lạm quyền.
Nhưng không thể suy xét như thế để đưa ra quy định được. Những điều này được đưa ra dựa trên quan điểm là cán bộ tốt, Đảng tốt. Ai lạm quyền thì sẽ đi tù thôi, sẽ phải chịu trách nhiệm thôi. Mọi trách nhiệm, quyền hạn cũng như mức xử phạt cũng đã được quy định rõ ràng trong luật dân sự hay trong xử phạt vi phạm hành chính rồi trốn sao được.
Lộ thông tin khách hàng cũng là 1 trong những nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình trao đổi thông tin. Ai sẽ là người gánh trách nhiệm này thưa ông?
Tất nhiên là những tổ chức làm lộ thông tin hay sử dụng thông tin sai mục đích sẽ phải chịu trách nhiệm. Hiện nay đã có bộ luật hình sự, luật xử phạt vi phạm hành chính quy định rất chi tiết và đầy đủ đối với hành vi làm lộ thông tin khác hàng thế nhưng mà thực tế thì chả bao giờ phạt được ai vì làm sao mà phát hiện ra được, làm sao biết được, làm gì có ai đi điều tra, ai đi xử lý.
Bây giờ thông tin trôi nổi khắp nơi 100% là bị lộ hết, bị bán hết rồi, suốt ngày điện thoại, nhắn tin quảng cáo đó là thông tin đã bị bán chứ là gì nữa và nó giao khắp nơi trên mạng chẳng còn thiếu gì cả. Chúng ta chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Cái đó theo tôi mới nguy hiểm chứ việc cung cấp thông tin khách hàng không phải vấn đề gì đáng lo ngại. Vì hôm nay lấy thông tin một người, mai một người chứ không thành hệ thống. Nếu có thì chỉ là lấy con số, lấy giấy tờ của một vài đối tượng mà thôi. Tất nhiên là dù có như thế chúng ta cũng không được chủ quan, cũng phải lưu ý đến vấn đề an toàn thông tin cho khách hàng.
Như ông có chia sẻ, với quy định trong NĐ 117 các TCTD sẽ “vất vả” hơn khi phục vụ yêu cầu của người tổ chức, cá nhân hơn. Vậy ông nghĩ như thế nào đến việc “thu phí” khi cung cấp thông tin?
Như trước đây tôi cũng đã từng nói khi ngành thuế yêu cầu các NHTM cũng cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu của ngành thuế thì nên chăng ngành thuế phải “trả phí” cho các ngân hàng để làm điều này. Nói thế cho nó vui chứ đó là chuyện không tưởng, không bao giờ xảy ra. Câu lập luận sẽ là “do Nhà nước yêu cầu chứ có phải làm dịch vụ đâu” và ngân hàng mất công mất sức cũng phải làm.
Thực ra nếu yêu cầu rạch ròi thì phải tách bạch thành 2 cái khác nhau. Một cái là yêu cầu cung cấp để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước còn một cái để làm dịch vụ. Hay là dạng thu tiền hộ ngân sách chẳng hạn rồi tra cứu, xử lý hộ cái này cái kia chẳng hạn thì hợp lý là phải trả tiền.
Nói chung về cơ bản khó khăn thì là ngân hàng chịu, dù có kiến nghị cũng không có gì thay đổi được.
Vâng xin cảm ơn ông!
Nghị định 117 về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (có hiệu lực từ 1.1.2018) phải do các cá nhân sau đây ký: Thứ nhất, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Thứ hai, Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước. Thứ ba, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật về kiểm sát nhân dân. Thứ tư, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo quy định của pháp luật về tòa án. Thứ năm, là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự. Thứ sáu, Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị nghiệp vụ trong công an nhân dân, quân đội nhân dân theo thẩm quyền quy định của pháp luật về công an nhân dân, quân đội nhân dân. Thứ bảy, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án. Thứ tám, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Thứ chín, là Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. |
Title đã được ANTT thay đổi.
Theo Dân Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy