Yêu cầu uống bia Sài Gòn: Không loại trừ doanh nghiệp bắt tay với lãnh đạo
03/09/2014 13:42:24
ANTT.VN - Những điều tiếng thời gian qua về hàng loạt công văn gây “ bão dư luận” đang đặt ra nhiều vấn đề về năng lực và trách nhiệm của người lãnh đạo. Nhiều người quan ngại có sự lạm dụng vị trí để ban hành những công văn “lạ”.

Ông Trần Quốc Thuận

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Những công văn không bình thường

Thời gian qua dư luận liên tục chứng kiến những công văn “gây sốc” của nhiều địa phương trong cả nước như: Công văn yêu cầu cán bộ uống bia ủng hộ doanh nghiệp, công văn hô hào nhân viên đi cổ vũ bóng đá… theo ông những công văn như vậy có phù hợp với quy định hay không?

Đây rõ ràng là công văn không bình thường. Bởi lẽ, những việc nêu trên không thuộc phạm vi quy định trong việc ra công văn. Đó là những hình thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của những tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Vì vậy dùng công văn để bắt người ta đi uống bia hoặc đi cổ vũ bóng đá là vi phạm quy tắc và rõ ràng là một hình thức gián tiếp giúp những doanh nghiệp đó quảng cáo sản phẩm của mình.

Cổ vũ bóng đá cũng là một hình thức quảng cáo ( tuy không trực tiếp giống như việc uống bia) nhưng theo tôi những việc này giống nhau về tính chất, nghĩa là người ra công văn phải có lợi ích nhất định nào đó.Không phải tự dưng họ lại ra một văn bản không bình thường như vậy.

Thêm nữa, tôi không rõ những người ký công văn đó ban hành theo cơ chế gì và dựa vào quy định nào để có hiệu lực? Việc này cần phải hết sức lên án và chấn chỉnh ngay để tránh những trường hợp tương tự có thể sảy ra.

Công văn vốn là phương tiện giao tiếp dùng trong các cơ quan Nhà nước để trao đổi công việc chung. Tuy nhiên, nhiều công văn lại được sử dụng vì mục đích nặng tính tiếp thị thương mại cho doanh nghiệp. Ông có cho rằng đây là một hình thức lạm dụng chức quyền?

Tôi cho rằng đây là một dạng tiêu cực chứ không đơn thuần là lạm dụng chức quyền để áp đặt một công việc nào đó. Nói chính xác hơn thì đây là một hình thức lạm dụng chức quyền để tiêu cực.

Như chúng ta đã biết, chi phí quảng cáo cho một sản phẩm tốn rất nhiều tiền bạc của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay thì quảng cáo, tiếp thị trở thành vấn đề sống còn của một sản phẩm. Vì thế, không loại trừ khả năng doanh nghiệp bắt tay với một ông lãnh đạo nào đó để tiếp thị sản phẩm của mình.

Một bên có quyền trong tay, một bên có sản phẩm trong tay và sự kết hợp này chắc chắn có những hiệu quả cao. Điều này cũng dễ hiểu nhưng phô trương tới mức dùng công văn ( được coi như một phương tiện giao tiếp công việc trong cơ quan nhà nước- PV) thì rõ ràng vừa vi phạm quy định vừa “ vạch áo cho người xem lưng”.

Vậy theo ông những công văn “lạ” này nhằm mục đích gì?

Khi một công văn được ban hành thì chúng ta cần phải làm rõ nguồn gốc và mục đích của công văn đó. Nếu công văn đó là một hình thức tiếp tay, tiếp sức cho việc quảng cáo thì đây là một hành vi tiêu cực.

Rõ ràng Nhà nước không cấm hình thức quảng cáo nếu các hình thức đó thu lợi cho tổ chức. Thế nhưng những công văn trên là một dạng thức quảng cáo phi lợi nhuận. Vậy thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi là mục đích sau động thái đó là gì?

Ai hưởng lợi từ những văn bản này?

Theo ông những văn bản này có sai quy định?

Những vị lãnh đạo đó họ nắm rất chắc quy trình ra văn bản, nên không thể có chuyện thiếu hiểu biết mà ra công văn bừa bãi. Như tôi nói ở trên thì mấu chốt vấn đề là họ được hưởng lợi ích gì từ những việc này.

Chúng ta cần phải xác định lại xem doanh nghiệp được những công văn đó “ ủng hộ” có mối liên kết nào với người ký công văn hay không? Doanh nghiệp đó là người nhà hay chỉ là mối quan hệ xã hội. Thêm nữa là số tiền thu từ việc này phục vụ cơ quan hay phục vụ lợi ích cá nhân của họ?

Như đã nói thì số tiền quảng cáo, tiếp thị sản phẩm rất lớn ( có khi họ phải chi ra 20% tổng lợi nhuận để làm việc này). Tuy nhiên, dù mục đích có là phục vụ cá nhân hay cơ quan thì đây vẫn là hành vi dùng quyền lực để làm việc không bình thường.

Vậy còn trách nhiệm của những vị lãnh đạo ban hành văn bản “ lạ”?

Đây không chỉ là chuyện riêng của những vị lãnh đạo đó mà là thực trạng chung  và là lỗi lớn nhất của thể chế chúng ta. Ai cũng sợ trách nhiệm và khi bị quy trách nhiệm thì họ lại lôi cái uy của tập thể, núp dưới cái bóng của tập thể để thoái thác trách nhiệm. Họ là những người được giao quyền rất nhiều nhưng khi có sự cố sảy ra thì chả ai đứng lên chịu trách nhiệm cả.

Đúng ra những việc làm như vậy phải công khai xin lỗi, thậm chí từ chức chứ đâu thể đổ lỗi cho cấp dưới được. Nếu người lãnh đạo chỉ biết ký không thôi thì họ ngồi đó làm cái gì.

Vì vậy, tất cả người nào ký ban hành văn bản thì trách nhiệm trước hết thuộc về người đó. Điều tai hại trong xã hội ta hiện nay chính là tinh thần trách nhiệm không được đề cao.

Chính vì không được đề cao mà mới dẫn tới những hệ lụy to lớn khác như: Làm sai mà không bị xử lý, xử lý tham nhũng thì có nơi, có lúc còn chưa nghiêm…

Điều này rõ ràng đã được đề cập tới nhiều nhưng thực tế hiện nay vẫn không được mấy cải thiện.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Liễu - Hương Lan - Giáp Quyền
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến