Dòng sự kiện:
Yêu cầu xử lí theo pháp luật vụ ngư dân xẻ thịt cá nhám voi quý hiếm ở Sầm Sơn
16/05/2019 05:45:51
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Thanh Hóa yêu cầu xử lí vụ việc ngư dân TP Sầm Sơn xẻ thịt cá nhám voi quý hiếm nặng khoảng 1 tấn.

Ngày 15/5, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, xác nhận: Tổng cục Thủy sản của Bộ NN&PTNT đã có kết quả xác minh con cá nặng 1 tấn mà ngư dân TP Sầm Sơn xẻ thịt hồi đầu tháng 5.

Theo đó, đây là loài cá nhám voi (Rhincodon typus), thuộc nhóm I, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Loài này thuộc phân lớp cá sụn Elasmobranchii, lớp cá sụn (Chondrichthyes)- loài có kích thước to lớn trong lớp cá sụn. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài này được xếp vào nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, bậc EN.

Ông Cường cũng cho biết, đơn vị sẽ làm việc với chính quyền địa phương để xác định rõ trách nhiệm của những người liên quan đến việc xẻ thịt loài cá quý hiếm để xử lý theo quy định.

Con cá nhám voi quý hiếm nặng gần 1 tấn bị ngư dân xẻ thịt bán

Trước đó, ngày 5/5, các phương tiện truyền thông đưa tin, ngư dân TP Sầm Sơn đã giết mổ một con cá nhám trọng lượng gần 1 tấn. Thông tin gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến chỉ trích, phê phán hành động giết hại cá quý hiếm của những ngư dân này.

Liên quan vụ việc, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Sở NN&PTNT Thanh Hóa phối hợp với cơ quan chức năng xác minh thông tin, đồng thời yêu cầu giám định để xác định tên khoa học chính xác đến cấp độ loài để làm căn cứ xử lý theo quy định.

Hiện nay, cá nhám voi (Rhincodon typus) thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại Phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (gọi tắt là Nghị định 26/2019/NĐ-CP). 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 26, các loài thuộc Nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế (trước khi khai thác phải có văn bản chấp thuận khai thác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp). Vì vậy, các trường hợp khai thác loài thuộc Nhóm I vì mục đích khác là trái pháp luật.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến