Chiều 8/2, một trai xế lái ôtô đưa học sinh tới Trường Tiểu học Hà Huy Giáp ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lúc này, em C. (8 tuổi) từ trên phương tiện bước xuống xe. Cùng lúc, tài xế lái xe lùi lại để quay đầu thì cán C. tử vong tại chỗ.
Trường hợp này, những yếu tố nào cần điều tra, làm rõ để từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân liên quan?
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: H.A.
Từng hoạt động trong các cơ quan tiến hành tố tụng và tham gia nhiều vụ án, luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) cho rằng để xác định trách nhiệm pháp lý trong một vụ việc liên quan tới giao thông đường bộ, cần xác định có dấu hiệu của hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 hay không.
Theo thông tin hiện có, khi tài xế lái xe lùi lại để quay đầu đã cán qua người khiến C. tử vong tại chỗ. Bởi vậy, cần xác định người này có vi phạm quy định về lùi xe khi điều khiển phương tiện giao thông không.
Trích dẫn quy định về lùi xe tại Điều 16 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật sư cho biết tài xế khi lùi cần đảm bảo 3 nguyên tắc. Đó là quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
Ngoài ra, lái xe không được lùi ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
"Cần lấy lời khai, làm rõ tài xế này đã quan sát cẩn thận, ra tín hiệu và quyết định lùi xe khi đảm bảo an toàn tuyệt đối chưa. Nếu người này chưa đảm bảo chuẩn xác 3 nguyên tắc trên, việc lùi xe gây tai nạn chết người có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015", ông Thắng phân tích.
Bình luận thêm về việc bé gái có thể ngã vào điểm mù của xe, luật sư cho rằng đây không phải yếu tố miễn trách nhiệm. Người điều khiển phương tiện vẫn phải quan sát cẩn thận xung quanh, thậm chí xuống xe để kiểm tra và chỉ được lùi xe khi đảm bảo an toàn.
Nhiều người tới chia buồn với gia đình nạn nhân sau vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: An Huy.
Về trách nhiệm dân sự, ông Thắng cho biết theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Trường hợp xảy ra thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp của nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường cho người bị thiệt hại kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Như vậy, chiếc xe được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu đây không thuộc trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải bồi thường trong phạm vi lỗi của mình gây ra cho gia đình bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tác giả: Hoàng Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy