Những năm gần đây, vấn đề xử lý nợ xấu chưa bao giờ hết nóng. Kể từ khi có cơ chế xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42/2017/QH14, nhiều ngân hàng đã và đang mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để có thể chủ động xử lý, qua đó giảm trích lập dự phòng rủi ro. Xu hướng này ngày một mở rộng khi phần lớn các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao trong những năm qua. Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế - tài chính, các ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua.
Cơ quan quản lý cũng liên tục đốc thúc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây. Văn bản chỉ đạo mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi tỷ lệ này hiện lên tới hơn 6%.
Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 2/2019 là 2,09%, tăng so với mức 1,99% cuối năm 2017 và 1,91% cuối năm 2018 nhưng giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng không phải tại mọi ngân hàng
Tỷ lệ nợ xấu thực vào cuối năm 2018 (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC) khoảng 6,5%, giảm mạnh so với mức 7,36% vào cuối năm 2017 và 10,08% vào cuối năm 2016.
Ảnh minh hoạ
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, giảm được về dưới mốc 3% - ngưỡng được đánh giá là an toàn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam - là một mục tiêu khó thực hiện được ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, với lộ trình và yêu cầu quyết liệt thực hiện, mục tiêu trên dự kiến sẽ đạt được trong năm 2020. Và ngay trong năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đang trù tính sẽ tạo được đột phá trong xử lý tại những thành viên có con số tuyệt đối lớn.
Cụ thể, từ năm 2017 và tập trung trong 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt yêu cầu cụ thể với các thành viên lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện phân loại nợ chặt chẽ, tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và tiến tới tất toán toàn bộ nợ đã bán sang VAMC.
Đến giữa năm 2018, VietinBank là thành viên lớn tiếp theo, sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thực hiện tất toán xong nợ tại VAMC. Tuy nhiên, cuối 2018, ngân hàng này buộc phải thực hiện cơ cấu lại tài sản và phát sinh lượng khá lớn tại đây (13.400 tỷ đồng).
“Sau chuẩn bị trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và bản thân họ cũng đã có sự chuẩn bị, dự kiến BIDV sẽ thực hiện tất toán được hết nợ tại VAMC trong năm nay. Agribank hiện cũng đã cơ bản sẵn sàng để tất toán toàn bộ. Riêng trường hợp VietinBank, do có phần bán sang cuối năm 2018, nhưng tinh thần là cũng sẽ tập trung xử lý tương tự vào đầu năm tới”, vị lãnh đạo chuyên trách trên cho biết.
Theo định hướng và kế hoạch trên, dự kiến đến cuối năm nay hệ thống sẽ có ít nhất hai thành viên lớn tạo đột phá trong xử lý nợ xấu là BIDV và Agribank (trường hợp Agribank đã sớm khẳng định đủ lực để thực hiện), sau đó dự kiến đến lượt VietinBank.
Đây là ba ngân hàng thương mại có số dư con số tuyệt đối nợ xấu lớn đã bán sang VAMC; như vào cuối 2018 VietinBank có 13.400 tỷ, BIDV hơn 14.100 tỷ, Agribank cập nhật đến giữa năm 2018 có hơn 25.000 tỷ đồng…
Với lộ trình và kế hoạch tất toán dự kiến trên, từ nhóm có cấu phần lớn này, đến cuối năm nay và triển vọng đầu 2020, tỷ lệ nợ xấu được nhận diện đầy đủ của toàn hệ thống sẽ hướng đến mục tiêu giảm được xuống 3%.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, vị lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định hiện nay đã rõ ràng: những trường hợp nào còn dư nợ tại VAMC thì không được trả cổ tức bằng tiền mặt, phải tập trung tăng vốn và chủ động tạo nguồn để đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Quy định trên được dẫn ra, khi mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua, một số ngân hàng thương mại có đề nghị được trả cổ tức trước “sức ép” từ cổ đông, nhưng quan điểm trên của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi.
Mới đây, NHNN đã tạo thêm động lực xử lý nợ bán cho VAMC khi đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, trong đó quy định các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Có thể thấy, kết quả xử lý nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt VAMC đang và sẽ chủ yếu dựa vào nguồn lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của các ngân hàng hơn là các giải pháp thu hồi nợ thực sự. Điều kiện kinh doanh thuận lợi những năm qua đang tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng và sớm tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC. Tất nhiên, Nghị quyết 42 và sự ấm lên của thị trường bất động sản trong vài năm qua cũng ảnh hưởng tích cực đến kết quả thu hồi nợ xấu, góp phần gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng và tạo cơ hội để ngân hàng tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu còn lại bằng dự phòng rủi ro.
Linh Nhi (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy