Dòng sự kiện:
Để tránh bị gắn nhãn thao túng tiền tệ
31/10/2019 09:24:41
Chuyện mua vào ngoại tệ là tất yếu và đã trở nên phổ biến với Việt Nam trong vòng bốn năm trở lại đây, khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ cùng với các chính sách hạn chế đô la hóa hiệu quả.

Vấn đề chính khiến Việt Nam có nguy cơ bị gắn nhãn thao túng tiền tệ chủ yếu nằm ở hai tiêu chí là thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai/GDP vượt mức 2%.

 

Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực giữ ổn định tiền đồng chứ không có hành động “té nước theo mưa” để phá giá mạnh tiền tệ. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Cần làm rõ hơn về các cơ sở

Ngân hàng ING của Hà Lan gần đây đưa ra dự báo rằng Việt Nam có thể bị gắn nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” mà Bộ Tài chính Mỹ sắp phát hành.

Với số liệu ước tính cho giai đoạn từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019 của kỳ báo cáo lần này, ING cho rằng Việt Nam đã vi phạm cả ba tiêu chí là thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ lên đến 47 tỉ đô la Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai/GDP là 3%, việc mua ròng ngoại tệ diễn ra trong ít nhất sáu tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng lên đến 2,6% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Nguồn số liệu mà ING theo dõi để tính toán được tuyên bố là dựa trên cùng nguồn số liệu được Bộ Tài chính Mỹ lựa chọn trong các báo cáo trước đó, như thặng dư thương mại hàng hóa được lấy từ Cục Điều tra dân số Mỹ (có sự chênh lệch khá lớn so với số của Tổng cục Thống kê Việt Nam), cán cân tài khoản vãng lai được trích xuất từ dữ liệu thống kê quốc gia cũng như dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Nhưng có một hạn chế đáng kể cho các ước tính về các can thiệp ngoại hối do thiếu dữ liệu có sẵn, vì chỉ một số ngân hàng trung ương tiết lộ các con số can thiệp của họ, vì vậy ING đang giả định tính toán dựa trên sự thay đổi trong dự trữ ngoại hối từ nguồn báo cáo của IMF.

Tuy nhiên, nếu theo dữ liệu dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, vào giữa tháng 4-2019 là 66,35 tỉ đô la và sau đó không mua thêm cho đến cuối tháng 8 năm nay, số liệu thời điểm cuối tháng 5-2018 là 63,5 tỉ đô la, thì mức tăng thêm trong giai đoạn này chỉ là 2,85 tỉ đô la.

Về số liệu GDP giai đoạn từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019, theo nguồn Tổng cục Thống kê là hơn 5.749 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 249,2 tỉ đô la. Như vậy, giá trị ngoại tệ mua ròng theo ước tính trên chỉ khoảng 1,1% GDP (=2,85/249,2), do trong quí 4-2018 NHNN đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Quy định hiện nay cho thấy Chính phủ Mỹ phải tiến hành đàm phán trước khi có hành động gắn nhãn thao túng tiền tệ cho bất kỳ quốc gia nào. Đây sẽ là cơ hội để hai bên làm rõ các tiêu chí và hiểu nhau hơn.

Thứ nhất, Việt Nam có thể giải trình rõ thêm liệu đánh giá theo những số liệu của Bộ Tài chính Mỹ có thể hiện chính xác và đúng thực trạng của Việt Nam. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết để tăng nội lực tài chính quốc gia, khi mà dự trữ ngoại hối dù tăng nhưng so với các quốc gia khác thì còn rất thấp và so với chuẩn 12-14 tuần nhập khẩu của IMF thì chỉ đang ở ngưỡng trên một chút.

Thứ hai là nếu lấy các tiêu chí so với GDP thì có nên đánh giá lại theo chuẩn tính GDP mới của Việt Nam hay không. Ngoài ra, nếu so với mức độ phá giá mạnh của các đồng tiền trong khu vực, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực giữ ổn định tiền đồng chứ không có hành động “té nước theo mưa” để phá giá mạnh tiền tệ, mức độ điều chỉnh tỷ giá thậm chí còn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra đầu năm.

Đáng lưu ý là trong danh sách các nước bị theo dõi, có rất nhiều quốc gia vi phạm tiêu chí 1 và 2, tuy nhiên thoát tiêu chí 3 do mức độ can thiệp tỷ giá thấp hoặc thiếu các cơ sở, dữ liệu về việc can thiệp một chiều để đánh giá.

Mấu chốt nằm ở thương mại

Như vậy, vấn đề của Việt Nam chính là câu chuyện thương mại với Mỹ, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai lớn cũng chủ yếu do thặng dư thương mại với Mỹ tăng vọt gần đây. Điều này lại liên hệ đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần đây đã tạo cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam gia tăng thị phần trên đất Mỹ nhờ được lợi về thuế quan.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là con số thặng dư này có phải đơn thuần đến từ các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước, hay phần lớn là do hàng Trung Quốc tạm nhập tái xuất và giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam vào Mỹ để né thuế.

Có hai lý do nghi ngờ khả năng này là thật. Thứ nhất là chỉ số sản xuất của Việt Nam theo ING tính toán trong giai đoạn kể trên, chỉ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ lên đến 30%. Thứ hai là đi kèm với xuất siêu lớn qua Mỹ thì nhập siêu khủng từ Trung Quốc tăng tương ứng.

Nếu nhìn vào giá trị xuất siêu lớn chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay, có thể thấy quan điểm này là có cơ sở.

Chính vì vậy, nếu Mỹ quyết định gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam để lấy cớ trừng phạt thương mại, thì không loại trừ khả năng nhằm chặn hàng Trung Quốc tuồn vào. Thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không cần viện dẫn quy định thao túng tiền tệ mà chỉ cần lấy lý do “an ninh quốc gia” để kích hoạt thuế quan áp lên Việt Nam, điều đã thực hiện tương tự với Trung Quốc trong tháng 8 năm nay.

Ở đây có thể nhằm hai mục tiêu: ngăn chặn hàng Trung Quốc tìm đường tuồn vào như đã nói và muốn buộc Việt Nam đàm phán ký lại hiệp định thương mại với Mỹ, theo cách mà Washington đã thực thi suốt từ năm 2018 đến nay với các đối tác thương mại lớn khác như Canada, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã được ký vào năm 2000, tức cách đây 19 năm, từ đó đã mở ra cơ hội cho Việt Nam tận dụng những cơ chế ưu đãi để thâm nhập thị trường Mỹ, cũng như thu hút các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, góp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính BTA cũng mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO bảy năm sau đó.

Tuy nhiên, các nước phát triển sau thời kỳ luôn đề cao hội nhập và toàn cầu hóa, thì những năm gần đây thấy quyền lợi đang chạy về các nước đang phát triển quá lớn, tạo ra những thách thức và đe dọa vị thế của chính các nền kinh tế phát triển, do đó chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi trở lại, ngay cả tại một nền kinh tế tự do như Mỹ.

Ông Trump với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đang đơn phương châm ngòi các cuộc chiến thương mại và ép các đối tác ngồi vào bàn đàm phán, nhằm giành lại nhiều quyền lợi hơn cho người Mỹ.

Đứng ở góc độ Việt Nam, ngoài việc làm rõ những tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra, thì điều quan trọng nhất là phải có giải pháp để xử lý vấn đề thương mại. Gần đây Chính phủ Việt Nam đã tích cực ký kết hợp tác, dành cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào các dự án lớn của quốc gia, cũng như cam kết sẽ mua thêm nhiều sản phẩm, hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Dù vậy vấn đề lớn nhất là phải ngăn chặn được hàng Trung Quốc vào Việt Nam chỉ nhằm tìm đường đến Mỹ. Vì điều này không chỉ khiến Việt Nam bị Mỹ có cớ trừng phạt thương mại, mà còn làm mất đi lợi thế cạnh tranh và cơ hội của những doanh nghiệp nội địa khác.

Việc chọn lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có nguồn vốn từ Trung Quốc cũng cần thiết, để tránh những dự án kém chất lượng, ô nhiễm môi trường hay chỉ đơn giản là những nhà máy sơ sài nhằm thực hiện công đoạn cuối cho có lệ nhằm lấy xuất xứ hàng Việt Nam, còn phần lớn giá trị gia tăng đã để lại bên kia mẫu quốc.

Ngoài việc làm rõ những tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra, thì điều quan trọng nhất là phải có giải pháp để xử lý vấn đề thương mại.

Gần đây Chính phủ Việt Nam đã tích cực ký kết hợp tác, dành cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào các dự án lớn của quốc gia, cũng như cam kết sẽ mua thêm nhiều sản phẩm, hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến