Dòng sự kiện:
'Mẹ rừng' phòng hộ Sóc Sơn đang từng ngày chảy máu!
11/09/2018 12:05:55
Rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn được ví như lá phổi xanh của TP Hà Nội nhưng nhiều năm gần đây, hàng chục nghìn hecta rừng đang bị cá nhân, tập thể “hô biến” thành những siêu biệt thự, nhà xưởng, nhà vườn homestay...

Theo nhiều người dân sinh sống tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn – Hà Nội) phản ánh về việc hàng chục hecta rừng phòng hộ đặc dụng ở đây đang bị cá nhân, tập thể từng ngày phá rừng, san gạt đồi... thay vào đó bằng những khu biệt thự, nhà vườn, nhà xưởng, khu vui chơi giải trí. Đáng ngạc nhiên là, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng dường như có sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương khiến dư luận bất bình, bức xúc.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị .K (45 tuổi), một người dân tại đây cho biết: “Rừng phòng hộ này đang dần dần bị phá hủy bởi những năm gần đây, nhiều người giàu có dưới trung tâm Hà Nội lên đây mua đất rừng chủ yếu xây dựng biệt thự, khu nhà vườn, khu ăn chơi nghỉ mát. Toàn bộ con đường vào đây đều được họ thuê máy xúc xẻ đồi, gạt núi ... để đổ bê tông phục vụ cho chính mảnh đất họ đang tiến hành xây dựng”.

“Rừng phòng hộ đang dần bị bàn tay con người tàn phá, mà thay vào đó mọc lên những ngôi nhà kiên cố từng ngày. Sự việc này diễn ra đã nhiều năm nay nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ -đặc dụng Hà Nội lại không biết gì hay đang cố tình làm ngơ, bao che..”,ông Trần Văn H. (57 tuổi), một người dân ở đây bức xúc.

Theo ghi nhận của PV cho thấy, từ cánh cổng thôn Lâm Trường vào bên trong khu vực đang bị “xẻ thịt” ngay trên đất rừng này được chỉ dẫn cẩn thận bằng những tấm biển, thậm chí cả số điện thoại vào những khu biệt thự, nhà vườn, homestay,...Đặc biệt, sau cánh cổng ấy là cả một “đại công trường” ngổn ngang, xáo trộn đang được các chủ đầu tư thuê công nhân tiến hành xây dựng chỉ cách Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội khoảng 2km.

Một góc Trà Hoa Viên Sóc Sơn phục vụ khách tham quan bất chấp xây dựng trên đất rừng phòng hộ trái pháp luật.

Rừng phòng hộ tại đây đang từng ngày bị cá nhân, tập thể “hô biến” thành những ngôi nhà biệt thự, khu vui chơi giải trí bằng những cái tên mỹ miều như: The Choai Villa Sóc Sơn; The Homie Sóc Sơn; The Moonlight Sóc Sơn; Khu sinh thái Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn; Nhà bên rừng U-LESA; Trà hoa viên Sóc Sơn... Dọc hai bên đường thôn Lâm Trường là hàng chục khu nhà vườn sang trọng được xây dựng nằm ven rừng, ẩn nấp sau tán rừng già.

Các hoạt động xây dựng ngay trên đất rừng phòng hộ vẫn diễn ra rầm rộ.

Mọi hoạt động xây dựng ở đây vẫn diễn ra như “chốn không người”. Rầm rộ. Những khu đất nằm ven rừng hoặc sườn đồi bị đào xới, san lấp, căng dây để “giải phóng mặt bằng” phục vụ cho việc xây dựng. Các vật liệu xây dựng như đất đá, cát sỏi, sắt thép, rồi lán trại được công nhân dựng ngay trên đất rừng để làm công trình.

Đơn cử phải kể đến công trình xây dựng The Choai Villa Sóc Sơn đã “ngốn” đến hàng chục nghìn m2 đất rừng phòng hộ. Đây là một tổ hợp nghỉ dưỡng có đầy đủ dịch vụ cho khách hàng lựa chọn với các villa - nhà kính hai tầng được xây dựng kiên cố, hiện đại và khép kín.

Chủ đầu tư của The Choai Villa Sóc Sơn đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây dựng thành nhà 3 phòng ngủ kín và 2 phòng ngủ mở, 2 WC trong nhà, 1 WC ngoài trời, 4 phòng tắm. Bên trong đầy đủ các phương tiện như quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, lò và dụng cụ nướng BBQ, bát đũa cốc chén đầy đủ, bếp gas, bếp từ có lò nướng... Có đầy đủ phòng khách, phòng đọc sách, có những nhà nghỉ phục vụ cho đoàn từ 10 đến 20 người có thể nghỉ lại qua đêm.

Một góc biệt thự xây dựng trái phép.

Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: “Các hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trên đều thuộc đất lâm nghiệp là trái phép, vi phạm pháp luật. Nhưng để xảy ra sự việc này cũng một phần là tồn tại cũ từ các chủ tịch khóa trước..”.

Khi PV đề cập đến một số công trình đang tiến hành xây dựng thì vị này liền nói: “Sự việc thì cũng đã xảy ra rồi, cái này mong anh em chia sẻ. Chúng tôi đã chỉ đạo cho đội thanh tra xây dựng xuống hiện trường kiểm tra và tiến hành lập biên bản, không để xảy ra phát sinh hoạt động xây dựng mới..”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn tiếp cận hồ sơ, biên bản kiểm tra các hoạt động xây dựng trái phép này thì ông Tâm từ chối cung cấp với lý do: “Đã có hồ sơ nhưng đội thanh tra xây dựng sau khi lập biên bản kiểm tra đã gửi hết lên huyện, phía xã không giữ..”.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội cho biết: “Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ thôn Lâm Trường có khoảng hơn 100 hecta. Các khu xây dựng này chưa được cơ quan có thẩm quyền nào cho phép, đó chỉ là tự phát!? Vừa rồi, phía huyện ủy Sóc Sơn cũng đã họp giao ban và chỉ đạo về việc này”.

“Về giấy tờ, hồ sơ của vụ việc thì theo chị các em không nên đưa vào bài viết ở giai đoạn đang “nóng” này...”, bà Hằng từ chối cung cấp hồ sơ, biên bản khi PV muốn tiếp cận.

Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội đã làm gì trong mấy năm qua khi đang quản lý diện tích rừng phòng hộ thôn Lâm Trường bị các cá nhân "xẻ thịt" đất rừng!?

Việc rừng phòng hộ Sóc Sơn đang bị các cá nhân, tập thể “xẻ thịt” giữa ban ngày nhưng không vấp phải bất kỳ sự cản trở nào của chính quyền địa phương!?

Cách đây chưa lâu, dư luận vô cùng bức xúc về việc nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã phản ánh về tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại đây đang diễn ra khá phức tạp.

Theo đó, khu vực này nằm hoàn toàn trong diện quy hoạch rừng phòng hộ nhưng nhiều cá nhân ở nơi khác đến đây mua đất, lấn hồ rồi tiến hành xây dựng trái phép nhiều biệt thự như lâu đài nguy nga mang tên Hoàng Lê Gia Garden... nhưng dường như phía chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý với sai phạm trên.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết: "Các cá nhân xây dựng ở khu vực đất ở nông thôn là không sai, xã chúng tôi từ trước đến nay cũng không có bản đồ. Về việc này, phía huyện đang có chỉ đạo thanh tra, khi nào có kết quả tôi sẽ trả lời báo chí".

Liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, việc mua bán đất rừng phòng hộ ở thôn Minh Tân là trái phép với quy định của pháp luật.

Nhiều cá nhân đang tiến hành xây dựng biệt thự, khu vui chơi nghỉ dưỡng, nhà hàng trên đất rừng phòng hộ ở thôn Lâm Trường là vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Rừng phòng hộ Sóc Sơn đang khắc khoải, kêu cứu trong sự vô vọng. UBND huyện Sóc Sơn đang ở đâu khi “mẹ rừng” đang từng ngày “chảy máu”!?

ANTT.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Lê Trung Anh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến