Dòng sự kiện:
Trần lãi suất cho vay tiêu dùng: Nên hay không?
02/10/2018 08:00:33
Cho vay lãi suất cao hay cho vay nặng lãi là vấn đề gây nhiều tranh cãi dưới góc độ kinh tế học.

Mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm, ngang ngửa với lãi suất tín dụng đen.

Còn nhớ giai đoạn trước đây khi Bộ luật Dân sự 2005 còn hiệu lực, pháp luật quy định lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Khi đó những tranh cãi gay gắt đã nổ ra khi mức trần lãi suất cho vay cản trở việc tiếp cận tín dụng của một nhóm không nhỏ khách hàng là những doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình hay các cá nhân.

Tuy nhiên, một thái cực khác của vấn đề đang diễn ra, khi một số loại hình cho vay của các TCTD trở thành hình thức cho vay nặng lãi. Theo số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm, ngang ngửa với lãi suất tín dụng đen.

Có hai loại trần lãi suất với hai mục đích khác nhau

Bộ luật Dân sự 2015 một mặt quy định lãi suất tối đa cho các giao dịch dân sự thông thường ở mức 20%/năm, mặt khác không áp các quy định cứng về trần lãi suất cho vay của các TCTD. Theo đó, thông tư 39 và 43/2016/TT-NHNN cho phép các TCTD và người vay vốn được tự do thỏa thuận lãi suất cho vay theo cung - cầu vốn vay của thị trường.

Câu hỏi được đặt ra là hình thức cho vay nặng lãi trong tín dụng tiêu dùng hiện nay có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cần phải loại bỏ hay không. Vấn đề thứ hai là nếu làm như vậy, nó có thể khiến một nhóm đối tượng có mức độ rủi ro tín dụng cao không thể tiếp cận vốn vay từ hệ thống các TCTD và buộc phải tìm đến các hình thức tín dụng đen phi chính thức hay không.

Trước khi đi vào hai vấn đề nêu trên, cần phân biệt sự khác nhau giữa tính chất của trần lãi suất khi áp dụng với mục đích điều tiết mặt bằng lãi suất nói chung và mục đích chống cho vay nặng lãi. Việc áp trần để tạo lập mặt bằng lãi suất thường là công cụ thuộc chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đơn thuần mang tính chất điều hành kinh tế và không được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia có thị trường tài chính phát triển.

Trong khi đó, trường hợp thứ hai có tính phổ quát, và có nguồn gốc gắn liền với các yếu tố lịch sử, đạo đức và tôn giáo. Các thể chế pháp luật chống lại việc cho vay nặng lãi có mặt rất sớm trong lịch sử phát triển của nhân loại, từ văn minh Babylon cho đến đế quốc La Mã. Đây cũng là hành vi bị cấm trong nhiều tôn giáo lớn như cơ đốc giáo hay hồi giáo, thậm chí còn được thể chế hóa mạnh mẽ trong pháp luật của các quốc gia hồi giáo hiện đại. Nhiều lý do mang tính lịch sử và tôn giáo đó khiến các thể chế pháp luật về chống cho vay nặng lãi tồn tại ngay ở các nền tài chính phát triển nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay các nước Tây Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý...).

Điểm khác biệt chính là ở độ cao của trần lãi suất. Với mục đích điều tiết và tạo lập mặt bằng lãi suất, mức trần áp dụng thường sẽ ở mức thấp hơn mức lãi suất thị trường của phần lớn các hợp đồng tín dụng, do đó có tác động lớn đến cung - cầu vốn vay. Ngược lại, với mục đích chống cho vay nặng lãi, mức trần thường cao hơn và ít tác động đến mức lãi suất trung bình thị trường.

Cho vay nặng lãi: tốt hay xấu?

Việc để tồn tại hình thức cho vay nặng lãi dù nó diễn ra ở các TCTD được cấp phép hay các băng nhóm xã hội đen phi pháp đều mang lại những hệ lụy lớn cho xã hội. Nó làm bần cùng hóa những người vay lương thiện, trong khi khuyến khích và cung cấp vốn cho những đối tượng có mục đích sử dụng sai trái. Những hệ lụy đó bao gồm:

Thứ nhất, nó hướng tới đối tượng những người tiêu dùng thiếu kiến thức, hướng họ vào quan hệ vay vốn bất lợi mà cá nhân người vay vốn không hiểu rõ. Việc lập các hợp đồng tín dụng với nhiều điều khoản “cài cắm” và ràng buộc người vay, cung cấp thông tin không rõ ràng là những thủ đoạn thường gặp.

Thứ hai, nó khuyến khích nguồn vốn được sử dụng cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc, sử dụng ma túy... Với mục đích tiêu dùng lành mạnh, có rất ít lý do để một người tiêu dùng chấp nhận vay vốn với mức lãi suất quá cao. Loại bỏ hình thức cho vay nặng lãi gián tiếp giúp ngăn ngừa một số loại hình tội phạm.

Thứ ba, nó hướng tới đối tượng gặp khó khăn về tài chính, trục lợi và làm bần cùng hóa nhóm đối tượng yếu thế này trong xã hội. Đây là vấn đề mang tính đạo đức cần lên án, quan hệ giữa hai bên là người cho vay và người vay không mang tính bình đẳng và cùng có lợi. Người đi vay rất dễ mắc vào vòng xoáy nợ, thiếu khả năng chi trả và phải bán hết tài sản.

Thứ tư, trên phương diện xã hội, nó tiêu tốn nguồn lực xã hội vào các hoạt động có độ rủi ro cao, mang lại ít hiệu quả cho nền kinh tế.

Có những lập luận cho rằng nếu đặt trần lãi suất cho vay tiêu dùng, một số nhóm đối tượng sẽ không tiếp cận được vốn từ các TCTD và buộc phải sử dụng tín dụng đen với lãi suất thậm chí còn cao hơn. Về nguyên tắc, mức lãi suất cho vay của các TCTD sẽ bằng chi phí vốn đầu vào, chi phí quản lý và vận hành, tỷ lệ rủi ro mất vốn và biên độ lợi nhuận. Tuy nhiên do đặc điểm nhu cầu tín dụng của nhóm đối tượng là rất ít co giãn với lãi suất, mức lãi suất và các TCTD áp dụng bao gồm tỷ trọng lớn là cấu phần lợi nhuận. Việc áp trần lãi suất do đó không nhất thiết đi đôi với việc giao dịch tín dụng không được diễn ra mà chỉ đơn thuần thu hẹp phần lợi nhuận của các TCTD.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp việc không vay được vốn là điều tốt hơn cho người đi vay. Kể cả với nhóm đối tượng là những người gặp khó khăn về tài chính, vay nặng lãi không phải là quyết định tốt trong hầu hết các trường hợp.

Cuối cùng cũng cần phân tách việc các đối tượng không vay được vốn từ các TCTD và tìm đến các tổ chức tín dụng đen. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đen là phi pháp và cần được ngăn chặn bằng các công cụ bảo vệ pháp luật cứng rắn. Và việc thay thế hoạt động cho vay nặng lãi tín dụng đen bằng cho vay nặng lãi của các TCTD không mang lại ý nghĩa cho nền kinh tế, cho người đi vay khi kết cuộc cuối cùng là vòng xoáy nợ nần và khánh kiệt về tài chính.

Việc thiết lập trần lãi suất cho vay tiêu dùng, chống lại hành vi cho vay nặng lãi nên được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc. Nếu được tính toán hợp lý, mức trần lãi suất sẽ có thể không làm méo mó mặt bằng lãi suất và cung - cầu vốn vay trên thị trường, trong khi có tác dụng định hướng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, tránh làm bần cùng hóa người vay và tránh nguồn vốn của nền kinh tế ra khỏi các hoạt động rủi ro.

Nếu được tính toán hợp lý, mức trần lãi suất sẽ có thể không làm méo mó mặt bằng lãi suất và cung - cầu vốn vay trên thị trường, trong khi có tác dụng định hướng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển bền vững.

Theo Thời báo kinh tế SG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến