Dòng sự kiện:
Tỷ giá đang phản ánh đúng điều kiện thị trường
23/07/2018 09:48:38
Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã biến động mạnh theo chiều hướng tăng cả ở trong hệ thống ngân hàng lẫn trên thị trường tự do trong mấy tuần qua.

Đáp lại, NHNN đã lên tiếng trấn an dư luận, lập luận rằng sự tăng tỷ giá có yếu tố tâm lý trong khi cung cầu không có biến động mạnh và hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng về ngoại tệ, còn NHNN thì có đủ công cụ để bình ổn tỷ giá, gồm bán ngoại tệ để can thiệp. Hiện thực hóa tuyên bố này, cuối tuần qua và đầu tuần này, NHNN đã bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát được kiềm chế, cán cân thương mại và vãng lai thặng dư, tăng trưởng kinh tế được duy trì sẽ chính là các yếu tố hấp dẫn và níu chân nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: THÀNH HOA

Nhìn nhận tình hình hiện tại và kết hợp với những gì rút ra được trong quá khứ diễn biến của tỷ giá, điều có thể nói được trước tiên là tỷ giá đang diễn biến hết sức... bình thường!

Sự bình thường này đến một phần từ việc NHNN cho đến nay luôn chỉ tuyên bố sẽ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép, chứ họ không nói là sẽ ổn định tỷ giá ở một mức cụ thể nào đó. Nên sự tăng lên hay giảm đi (nếu có) của tỷ giá trong thời gian qua và cả sắp tới sẽ không vượt quá biên độ ±3% xoay quanh tỷ giá trung tâm.

Sự thả lỏng cương của NHNN với tỷ giá còn thể hiện ở việc họ đã thực sự có tăng, có giảm tỷ giá trung tâm hàng ngày, mà theo định nghĩa của NHNN thì đã bao gồm cả các yếu tố thị trường, chứ không hoàn toàn mang tính chủ quan, duy ý chí như đã xảy ra với tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố trước đây.

Bởi vậy, trên góc độ NHNN đã tăng khá liên tục tỷ giá trong mấy tuần qua thì lẽ ra dư luận cần hiểu rằng NHNN đang muốn, đang chấp nhận một đồng bản tệ yếu đi so với đô la Mỹ, để không còn phải cứ tiếp tục “băn khoăn” mãi với những tiêu cực theo lý thuyết đến từ việc giảm giá tiền đồng.

Sự bình thường trong diễn biến của tỷ giá mấy tuần qua còn đến từ những yếu tố khách quan và chủ quan khác. Dưới góc nhìn của NHNN, sẽ có rất ít yếu tố ủng hộ việc NHNN bán đô la Mỹ để can thiệp, ổn định tỷ giá như trước đây.

Về nguồn lực can thiệp, đành rằng dự trữ ngoại hối đã tăng kỷ lục lên trên 63 tỉ đô la Mỹ, nhưng mức này không thể coi là lớn nếu quy theo số tháng nhập khẩu, vẫn chỉ loanh quanh ba tháng nhập khẩu - là mức tối thiểu theo khuyến nghị của thế giới.

Về khả năng can thiệp thành công, quá khứ can thiệp vào tỷ giá của NHNN cho thấy kết quả là hầu như chưa bao giờ NHNN chiến thắng được thị trường, bất chấp những trấn an, cam kết mạnh mẽ và cả hành động cụ thể. Sự ổn định tỷ giá, nếu có, chỉ được tính theo tuần. Đổi lại kết quả khá thất vọng này là sự sụt giảm sâu của dự trữ ngoại hối dưới mức an toàn tối thiểu trong nhiều thời kỳ.

Về điều kiện thị trường, sự nới lỏng chính sách tiền tệ thể hiện qua dư thừa thanh khoản và sự đi xuống của lãi suất tiền đồng liên ngân hàng trong thời gian qua là một trong những yếu tố quyết định sự suy yếu của tiền đồng so với đô la Mỹ. Có thể đây là một chủ ý của NHNN khi vừa muốn tạo điều kiện cho lãi suất cho vay ở Việt Nam giảm đi, vừa muốn một đồng bản tệ yếu hơn để hỗ trợ xuất khẩu. Có thể nói đây là một lựa chọn chính sách tối ưu.

Từ bên ngoài, điều kiện cũng tỏ ra bất lợi cho NHNN nếu muốn ổn định tỷ giá. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (và chiến tranh tiền tệ đang manh nha hình thành với sự suy yếu của đồng nhân dân tệ), và sự mạnh lên của kinh tế Mỹ kéo theo sự mạnh lên của đô la Mỹ làm cho nhiều nước muốn và/hoặc buộc phải thi hành một chính sách đồng tiền yếu, lấy đó làm hậu thuẫn duy trì cho xuất khẩu, đồng thời giúp bảo vệ thị trường trong nước.

Đến đây, điều băn khoăn từ nhiều người sẽ là nếu NHNN muốn theo đuổi chính sách tiền đồng yếu hơn, đâu sẽ là điểm dừng? Nói cách khác, tiền đồng nên yếu đi bao nhiêu thì được coi là đủ?

Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của tỷ giá trung tâm. Nếu NHNN không lạm dụng yếu tố chủ quan trong cơ chế xác định tỷ giá trung tâm (gồm các cân nhắc về chính sách) mà dựa nhiều hơn vào các yếu tố khách quan như diễn biến tỷ giá của một rổ tám đồng tiền quốc tế, thì sẽ có được một tỷ giá trung tâm, và do đó một biên độ tỷ giá linh động hơn, phản ánh sát hơn tình hình biến động của các đồng tiền tham chiếu trong rổ tiền tệ.

Nếu tỷ giá biến động mạnh, có nguy cơ làm tăng lạm phát trong ngắn hạn, NHNN có thể cân nhắc áp dụng giải pháp nâng lãi suất để giảm áp lực lạm phát tại Việt Nam, mà không cần phải rút lại chính sách tiền đồng yếu nếu thực sự thị trường đòi hỏi phải như vậy. Theo cơ chế can thiệp kiểu này, một mặt NHNN vẫn ở tư thế sẵn sàng mua đô la với giá cao (hơn thị trường) để làm tăng tỷ giá theo ý đồ và tính toán dựa trên các yếu tố thị trường. Mặt khác, NHNN tăng cường hoạt động trên thị trường mở để hút tiền đồng về nhằm làm tăng lãi suất.

Lãi suất tăng như trên sẽ không nhất thiết gây tổn hại cho tăng trưởng vì nền kinh tế được hỗ trợ bởi xuất khẩu ròng được duy trì, hoặc tăng lên (xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm) do tiền đồng yếu đi so với đô la Mỹ hoặc các ngoại tệ khác.

Kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát được kiềm chế, cán cân thương mại và vãng lai thặng dư, tăng trưởng kinh tế được duy trì sẽ chính là các yếu tố hấp dẫn và níu chân nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp việc tiền đồng có yếu đi hay không.

Việc “quyết liệt” ổn định tỷ giá trong bối cảnh như vậy chắc chắn sẽ chỉ thu được mỗi cái danh hiệu là “đồng tiền ổn định nhất” hoặc tương tự, trong khi những cái hại (trực tiếp và gián tiếp) thì nhiều và lớn, một phần như đã được phân tích ở trên.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến