Tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Theo thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố ngày 18/7 tại Hội thảo Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết: Về thị trường XK, những thị trường XK trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Xét ở khía cạnh mặt hàng, trong nửa đầu năm, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị XK tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: Váy, quần áo trẻ em, vải, quần soóc… "Đáng chú ý, tình hình đơn hàng của các DN XK cũng khá khả quan. Nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kết quả XK điển hình là: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty CP may Việt Tiến, Công ty TNHH Worldon (Việt Nam)…", ông Cẩm nói.
Đánh giá về tăng trưởng XK dệt may đạt được trong nửa đầu năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, đây là con số khá ấn tượng, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm trở lại đây. Kết quả này không tự nhiên mà có. Theo ông Giang, đó là nhờ cộng đồng DN đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. Kết cấu thị trường XK dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ thuộc vào 1 thị trường. Bên cạnh đó, cộng đồng DN đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh XK mặt hàng giá trị gia tăng cao, chịu được áp lực đòi hỏi của thị trường. Nhờ vậy, giá trị gia tăng trong XK dệt may nói chung được nâng lên.
"Ngoài các yếu tố trên, yếu tố tác động đến XK dệt may nửa đầu năm là giải pháp về công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá nhanh. Ví dụ, hiện đã có nhiều nhà máy dệt may đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư vào robot", ông Giang nhấn mạnh.
Xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD
Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, trong năm nay, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...
Bên cạnh những khó khăn trên thì ngành dệt may cũng có một số thuận lợi khá điển hình. Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3/2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019 đặt ra kỳ vọng thúc đẩy XK vào 6 nước NK dệt may trong CPTPP (trong năm 2017, XK dệt may của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt trên 950 triệu USD). Bên cạnh đó, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có triển vọng được ký kết trong năm nay sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Ngoài ra, khả năng Hoa Kỳ cũng sẽ tăng mức thuế NK đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần XK sang Hoa Kỳ...
Cuối năm trước, khi đánh giá về triển vọng XK dệt may trong năm 2018, Vitas nêu ra kế hoạch XK cả năm sẽ đạt 34 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Cẩm cho hay: Với tốc độ tăng trưởng XK cao trong nửa đầu năm cũng như tiến độ NK nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, dự kiến XK hàng dệt may nửa cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, kim ngạch XK nửa cuối năm ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch XK cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Xung quanh câu chuyện XK ngành dệt may, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) bày tỏ mong muốn DN dệt may chủ động hơn nữa trong nắm bắt thời cơ, thuận lợi từ các FTA để thúc đẩy XK, đồng thời để ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường, trước hết là xu hướng bảo hộ. Yếu tố điển hình mà ông Hải lưu ý các DN phải đáp ứng được chính là vấn đề quy tắc xuất xứ.
"Chính phủ nỗ lực đàm phán các FTA song lợi ích lại là của DN. Nếu DN không nỗ lực tận dụng được thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa", ông Hải nói.
Để XK dệt may tăng trưởng bền vững, theo ông Hải, vấn đề cần giải quyết còn là câu chuyện logistics. Dệt may có khối lượng và giá trị XK đều lớn. Khối lượng lớn thì tác động của chi phí logistics càng lớn. DN cũng nên chú ý hơn tới vấn đề này để cắt giảm chi phí. Ví dụ, hiện nay các lô hàng vận chuyển sang EU 100% đi bằng đường biển, chỉ một ít lô hàng đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, đã có đường sắt đi sang Nga, Belarus…, sau đó đi sang EU với chi phí thấp hơn.
Theo Báo hải quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy