10 lời chia tay ai oán của các đại gia bán lẻ thế giới
22/01/2015 15:07:56
ANTT.VN – Không tìm hiểu kỹ thị trường để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hay bất ổn chính trị… là lí do khiến 10 hãng bán lẻ đình đám dưới đây phải dứt áo ra đi.
 

Tin liên quan

1. Best buy nói lời tạm biệt với Trung Quốc chỉ 1 năm sau khi rút khỏi thị trường Châu Âu (2014)

Tháng 12/2014, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ - Best Buy đã công bố bán lại Five Star cho một công ty bất động sản tại Trung Quốc để tập trung hơn các hoạt động vào khu vực Bắc Mỹ.
Best Buy đã phải vật lộn với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường đông đúc này. Five Star là công ty con mà Best Buy đã mua hồi năm 2006. Công ty này nắm giữ 184 cửa hàng tại Trung Quốc. 

Một năm trước đó, Best Buy cũng đã phải rút khỏi thị trường châu Âu sau khi bán cổ phần của mình tại tập đoàn Carphone Warehouse và chịu lỗ tới một nửa. Năm 2011, hãng này đã đóng cửa 11 cửa hàng Best Buy ở Trung Quốc.

2. Home Depot rút khỏi Trung Quốc (2012)

Home Depot đã vấp phải một sai lầm lớn khi quyết định xâm nhập vào thị trường Trung Quốc năm 2006. Chuỗi siêu thị đồ xây dựng và trang trí nội thất lớn nhất của nước Mỹ đã mua 12 cửa hàng tại Trung Quốc mà không tính tới việc Trung Quốc là quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ nên ít có nhu cầu tự mua đồ về sửa nhà mà hoàn toàn có thể thuê thợ.

Năm 2012, hãng bán lẻ này đã quyết định cắt lỗ và đóng 7 cửa hàng lớn còn lại. Sự đầu tư thiếu cẩn trọng này đã khiến Home Depot lỗ 160 triệu USD.
 
3. Office Depot thất bại tại Mexico (năm 2013)

Tháng 6/2013, Office Depot - công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ văn phòng hàng đầu của Mỹ cho biết sẽ bán đi một nửa công ty liên doanh tại Mexico cho Grupo Gigante với giá 690,2 triệu USD.

Đây là kết quả khi hãng này phải đối mặt với áp lực từ một nhà đầu tư. Công ty liên doanh này điều hành gần 250 cửa hàng ở Mexico và Trung Mỹ với doanh số lên đến trên 1 tỷ USD.

4. Wal-Mart thất bại tại Đức (2006)

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart đã từng hy vọng Đức sẽ là nơi mang lại cho họ một chỗ đứng vững chắc trên thị trường châu Âu. Tuy nhiên, sau 8 năm vất vả gây dựng, doanh số bán hàng không như mong đợi và ngày càng sụt giảm là lý do buộc họ phải nói lời chia tay với nền kinh tế lớn nhất châu lục này.

Giới phân tích cho rằng, gót chân Asin của Walmart là đã không nắm rõ luật lệ, thói quen mua sắm, khẩu vị của khách hàng Đức và giá rẻ chưa phải là tất cả với thị trường này. Cuối cùng, gã khổng lồ này đã phải bán lại chuỗi 85 cửa hàng của mình cho Metro - một đại gia bán lẻ ở Đức. 

5. Tesco rút lui khỏi Mỹ (2013)

Tesco, chuỗi siêu thị khổng lồ của Anh đã rơi vào một vụ bê bối kế toán và cuối cùng đã phải khăn áo ra đi khỏi thị trường Mỹ năm 2013. 

Hãng này cũng đã thực hiện những nỗ lực cuối cùng bằng việc bán loại chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Fresh & Easy cho Yucaipa, một công ty đầu tư thuộc sở hữu của tỷ phú siêu thị Mỹ Ron Burkle .Thương vụ này đã đặt một dấu chấm hết cho 6 năm gây dựng Fresh & Easy của Tesco trên đất Mỹ. 

Một năm trước đó, Tesco cũng đã phải rút lui khỏi thị trường Nhật Bản.

6. Carrefour rời Ấn Độ

Chuỗi bán lẻ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Wal-Mart đã có một mùa hè cuối cùng tại Ấn Độ sau chưa đầy 4 năm thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường tại đất nước này. 

Đây là một phần trong kế hoạch giảm thiểu hoạt động của CarreFour tại những thị trường không hiệu quả để tập trung hơn cho các thị trường đầy hứa hẹn như châu Âu, Trung Quốc và Brazil.

7. Ralph Lauren đầu hàng tại Argentina (2012)

Thương hiệu thời trang cao cấp đình đám Ralph Lauren đã phải đầu hàng tại Argentina vào năm 2012 sau 13 năm hoạt động. Nguyên nhân cho sự ra đi này là do các rào cản về nhập khẩu, thủ tục hành chính rườm rà, đồng nội tệ sụt giảm và sự giảm sút nhanh chóng về lượng khách du lịch đến Argentina.

Yves Saint, một nhãn hàng xa xỉ khác cũng đã rời khỏi đất nước Nam Phi này sau 30 năm hoạt động.

8. Borders rút lui khỏi Anh (2007)

Tượng đài bán lẻ sách lớn nhất nước Mỹ một thời – Borders đã thực hiện một bước đột phá, tấn công vào thị trường Anh quốc với những mong có thể xây dựng được một đế chế xuyên Đại Tây Dương. 

Tuy nhiên, đời không như mơ, năm 2007, khi doanh số bán hàng ngày càng suy yếu, Borders đành phải quyết định rút lui khỏi thị trường quốc tế lớn nhất của mình, bỏ lại hết những gì đã gây dựng từ năm 1998 với hệ thống 42 siêu thị. 

Borders cũng đã phải bước ra khỏi các thị trường quốc tế khác, gồm cả Australia và cuối cùng năm 2011 hãng này đã đệ đơn phá sản tại Mỹ.

9. New Look nói lời tạm biệt với Nga

Nhà bán lẻ thời trang của Anh New Look tháng 11/2014 vừa qua đã rút lui khỏi Nga và Ukraine vì lí do bất ổn chính trị. Chỉ 1 tháng trước đó, hãng này còn công bố kế hoạch mở rộng thị trường tại Nga - một trong những nơi được New Look xếp vào nhóm tiềm năng.

Trong một cuộc trao đổi với Financial Times, Anders Kristiansen, giám đốc điều hành của New Look cho biết: “Tất cả các nhà bán lẻ đang có một khoảng thời gian thực sự khó khăn ở Nga, không chỉ riêng ngành thời trang”.

10. Clorox thất bại tại Venezuela

Nhãn hiệu hàng tiêu dùng Clorox đã quyết định rời Venezuela sau thất bại tại thị trường này. Nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của thương hiệu hàng tiêu dùng này là lạm phát dâng cao trong khi chính phủ lại thực hiện chính sách “đóng băng giá”, buộc các công ty phải giữ nguyên giá khiến lợi nhuận của Clorox cũng như nhiều hãng khác sụt giảm nặng nề. 

Thanh Hương (Theo Fortune)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến