Dòng sự kiện:
10.000 sổ đỏ tại Sóc Sơn bị cấp sai hạn mức: Lỗi sai do đâu?
27/01/2022 08:33:30
Đến đầu tháng 10/2021, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có nhiều xã với khoảng 10.400 sổ đỏ bị vượt hạn mức đất ở; diện tích ghi trên sổ đỏ dao động từ trên 400m2 lên tới khoảng hơn 2.000m2 đất ở.

Một ô đất có sổ đỏ vượt hạn mức tại Sóc Sơn được "cò" môi giới bất động sản mời chào. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Tấm sổ đỏ vượt hạn mức đã gây ra nhiều điều phiền toái mà trước hết là ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn. Cùng đó là nhiều vấn đề khác như lệ phí trước bạ, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp người dân đã nộp từ nhiều năm nay cho việc cấp sổ đỏ “khủng” thì ai phải chịu trách nhiệm và được xử lý như thế nào đang là câu hỏi được đặt ra.

Không còn lưu hồ sơ trước khi cấp sổ đỏ

Đi sâu điều tra về việc tại sao lại có việc cấp sổ đỏ sai hạn mức, nhóm phóng viên nhận thấy, tại Sóc Sơn không chỉ có ba xã (Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn) mà ở rất nhiều xã trên địa bàn huyện đều có tình trạng sổ đỏ được cấp vượt hạn mức đất ở. Các sổ đỏ được cấp sai hạn mức đất ở đều rơi vào các năm từ 2005-2012.

Theo ông Cao Xuân Kiên, Phó Chủ tịch xã Bắc Sơn, toàn xã có 1.800 hộ đã có sổ đỏ vượt hạn mức, tổng diện tích là khoảng 20.088.811m2; trong đó, sổ đỏ vượt hạn mức từ năm 2001 trở về trước là 1.696 hộ. Đối với sổ đỏ được cấp từ tháng 9/2001 đến nay có 104 hộ. Còn tại xã Hồng Kỳ có khoảng 1.400 sổ đỏ thì có 570 sổ đỏ vượt hạn mức đất ở; trong đó có 73 sổ đỏ đã đăng ký biến động.

Qua tìm hiểu, phóng viên TTXVN nhận thấy, tại Sóc Sơn không chỉ có cấp đất ở vượt hạn mức mà còn có hiện tượng cấp sổ đỏ vượt hạn mức nằm trong quy hoạch rừng. Đáng chú ý, tại Sóc Sơn hiện nay nhiều xã không còn lưu giữ được hồ sơ liên quan cấp sổ đỏ vượt hạn mức.

Về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thừa nhận, hiện nay còn rất ít giấy tờ liên quan đến các sổ đỏ cấp sai hạn mức. Huyện chỉ có duy nhất bản đồ địa chính đo đạc năm 1993. Còn tại thời điểm đo đạc, đơn vị tư vấn của Sở Địa chính và Nhà đất lúc đó không lập sổ mục kê, sổ địa chính.

Qua thống kê đến đầu tháng 10/2021, bước đầu xác định trên địa bàn huyện có nhiều xã với khoảng 10.400 sổ đỏ bị vượt hạn mức đất ở. Diện tích ghi trên sổ đỏ dao động từ trên 400m2 lên tới khoảng hơn 2.000m2 đất ở.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm, sở dĩ có việc cấp “vượt rào,” sai quy định như vậy là do ở các thời điểm trên, huyện Sóc Sơn đã căn cứ Khoản 2, Điều 45 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về việc thi hành Luật Đất đai; Khoản 2, Điều 11 Quyết định số 23/2005/QĐ-UB-HN ngày 18/2/2005 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về cấp đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội... để cấp sổ đỏ cho người dân.

Văn bản số 438/TB-UBND ngày 11/5/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu: “Việc Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cấp sổ đỏ cho mỗi hộ gia đình vượt hạn mức đất ở 400 m2/hộ đối với trung du; 300m2 đối với xã đồng bằng là không đúng với quy định.”

Trước căn cứ trên, cũng như thực hiện kết luận Thanh tra số 1052/KL-TTTP-P3 ngày 17/3/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ cấp vượt hạn mức. Từ việc thu hồi sổ đỏ, tại Sóc Sơn đã xuất hiện những cơn “sóng ngầm,” tỏ ý không đồng thuận.

Khó tìm được tiếng nói đồng thuận “hạ” sổ

Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Hà, thôn 2, xã Hồng Kỳ vào một buổi chiều gió mùa trở mạnh, khung cảnh ngôi nhà cấp 4 trống trải nằm cạnh bãi rác Nam Sơn thêm ảm đảm. Khi đề cập đến việc sổ đỏ vượt hạn mức đất ở, nỗi bức xúc kìm nén nhiều ngày qua của ông Hà như được dịp bung ra.

Người đàn ông dáng thấp nhỏ này đã 62 tuổi chất phát kể, từ năm 1960 gia đình ông di cư từ huyện Đông Anh lên Sóc Sơn để khai hoang vùng kinh tế mới và được Nhà nước cấp cho mảnh đất đồi để ở, canh tác. Từ bấy đến nay, gia đình ông ở ổn định trên mảnh đất này. Để giữ đất, ông Hà đã đầu tư kinh phí xây tường gạch bao quanh thửa đất của gia đình. Trên thửa đất hiện có 2 ngôi nhà cấp 4 và công trình phụ riêng.

Biên lai thu thuế đất ở của gia đình ông Ngô Văn Hà, thôn 2 xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo các biên lai thuế còn lưu giữ, mảnh đất của gia đình ông Hà là 1.500m2, hàng năm phải chịu thuế đất ở. Năm 2005, ông Hà đã kê khai và hoàn thành các khoản chi phí hết 12 triệu đổng để được cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất đang ở là 1.500m2. Tại sổ đỏ có số hiệu 631778, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Đức Trí ký ngày 20/12/2005 có ghi mục đích sử dụng là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài.

Từ sổ đỏ “gốc” trên, ông Hà đã lần lượt tách sổ đỏ để chia cho hai con. Ngay sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh Sóc Sơn đã cấp sổ đỏ cho hai người con của ông Hà.

Nhưng mới đây, nghe tin sổ đỏ của mình bị “vô hiệu,” ông Hà đã đến Ủy ban Nhân dân xã Hồng Kỳ để tìm hiểu và được công chức địa chính đã giải thích sổ đỏ của gia đình ông vượt hạn mức nên tạm thời đang bị dừng các giao dịch. Qua tìm hiểu, tại Hồng Kỳ không chỉ có hộ gia đình ông Hà mà có khoảng 570 hộ ở hoàn cảnh tương tự, sổ đỏ bị vượt hạn mức.

Bà Hoàng Thị Mai, thôn 2 xã Hồng Kỳ nêu ý kiến "Gia đình tôi nhiều năm nay ở trên mảnh đất hàng nghìn m2, trên đó xây dựng nhiều công trình để ở. Chính quyền căn cứ vào đâu để cấp lại sổ đỏ cho chúng tôi. Nếu những công trình để ở nằm ngoài khu vực sổ đỏ có bị phá dỡ không? Còn nữa, các loại thuế phí gia đình chúng tôi nộp từ nhiều năm nay khi sử dụng đất thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, tôi không đồng thuận với việc hạ hạn mức sổ đỏ, vì chúng tôi có tự cấp được sổ đỏ đâu."

Về thực tế này, công chức địa chính xã Hồng Kỳ Đàm Thị Hiền thông tin, hiện nhiều hộ dân thắc mắc nhưng chính quyền chưa biết giải quyết thế nào đối với các trường hợp sổ đỏ vượt hạn mức.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại các xã Hồng Kỳ, Minh Phú, Minh Trí, Bắc Sơn, Nam Sơn..., nhiều hộ có sổ đỏ sai hạn mức nhưng đã bán, cho tặng, chia tách cho người khác. Từ đó, sổ đỏ tiếp tục được chia tách, sang nhượng cho các hộ F1, F2 thậm chí là F3. Hiện nhiều người ở đây đang cạy cục tìm cách nhờ “cò” môi giới chỉ “đường đi nước bước” để đứng tên chính chủ mảnh đất của mình nhưng cũng rất khó khăn và chi phí lớn.

Ông Ngô Văn Hà, thôn 2 xã Hồng Kỳ cho biết, sau khi có sổ đỏ từ năm 2005, gia đình ông đã tách sổ đỏ cho hai con. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Một người dân ở Bắc Sơn giấu tên bức xúc, để có được sổ đỏ đúng hạn mức, gia chủ phải chi khoảng vài chục triệu đồng “bôi trơn” mới có thể điều chỉnh sổ đỏ từ hơn 1.000m2 xuống 400m2.

“Như thế, người dân hai lần bị thiệt, vừa bị giảm diện tích đất ở xuống còn 400m2, lại vừa mất tiền cho các khoản chi phí ngoài luồng, thật là khổ trăm bề. Nhưng thế cũng chưa hết, người dân còn phải chờ đợi khá lâu mới có thể được cấp sổ mới theo đúng hạn mức.”

Rõ ràng, việc sổ đỏ được cấp vượt hạn mức đã gây ra nhiều hệ lụy, phiền toái cho người mua đất, bán đất và chính quyền địa phương./.

Tác giả: Mạnh Khánh-Văn Cảnh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến