Dòng sự kiện:
15 ngày đầu năm đã nhập siêu 1 tỷ USD, buồn hay vui?
24/01/2019 14:01:00
Nếu nhập khẩu công nghệ hiện đại cho nông nghiệp, dệt may, cơ khí, đặc biệt cho ngành công nghiệp số thì nhập siêu đó là xứng đáng. Ngược lại, nhập siêu nguyên liệu cho các ngành dệt may, phân bón... thì đáng buồn.

"Đừng nên vội mừng hay vội buồn"

Số liệu từ Tổng cục Hải quan trong nửa đầu tháng 1/2019 cho thấy nhập siêu đã quay trở lại sau năm 2018 xuất siêu kỷ lục 7,2 tỷ USD. Tổng giá trị nhập khẩu cả nước đạt gần 10,2 tỷ USD, xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD. Như vậy, trong vòng 15 ngày đầu tháng 1/2019, con số nhập siêu là 1 tỷ USD. Năm 2019, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam nhập siêu khoảng 3 tỷ USD.

TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương Mại, Bộ Công Thương cho rằng cần lưu ý khi nhìn vào con số xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2019. Tuy nhiên, theo ông Thắng, với vấn đề nhập siêu và xuất siêu của Việt Nam nhìn vào các con số tổng quan "đừng nên vội mừng hay vội buồn". "Chúng ta cần phải xem nhập siêu hay xuất siêu là ở đâu, cho cái gì", vị chuyên gia bày tỏ.

Xuất nhập khẩu tại cảng. Ảnh: VnEconomy.

Ông phân tích, nếu nhập khẩu công nghệ hiện đại cho nông nghiệp, dệt may, cơ khí, đặc biệt cho ngành công nghiệp số thì nhập siêu đó là xứng đáng. Các công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Dù vậy, xuất siêu của Việt Nam vẫn chủ yếu năm ở xuất khẩu gạo, cá tra, cá ba sa, cà phê, hạt tiêu... Trong khi đó, nếu nhập khẩu công nghệ hoặc máy bay với giá trị rất lớn, các sản phẩm xuất khẩu từ nông nghiệp rất khó để bù đắp. Trong trường hợp này, nhập siêu tất yếu sẽ xảy ra.

Ngược lại, ông cho rằng nếu nhập siêu nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giày, thuốc trừ sâu, phân bón... thì rất đáng buồn.

Với năm 2019, trong nửa đầu tháng 1, hai nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,8 tỷ USD và nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là 1,6 tỷ USD. Đây là 2 nhóm phục vụ cho hoạt động sản xuất của các nhà máy lớn đặt ở Việt Nam. Trong khi đó, các sản phẩm máy vi tính, linh kiện, điện thoại.. trong giai đoạn này chỉ xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD.

Nhập khẩu phân bón đạt 77 triệu USD trong nửa đầu tháng 1, thuốc trừ sâu là 46 triệu USD. Các nguyên liệu bông, xơ, sợi, vải và nguyên phụ liệu dệt may, da giày Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD.

Nhập siêu đến đâu?

"Thực tế, các nước đang phát triển như Việt Nam nhập siêu là kết quả tương đối phổ biến", TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định.

Ông Thành phân tích, với Việt Nam, công nghệ, thiết bị máy móc phải nhập, công nghiệp hỗ trợ chưa đủ năng lực cạnh tranh nên phải nhập hàng trung gian về lắp ráp cắt may. Bên cạnh đó, đất nước phát triển, nhu cầu của người dân càng cao nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng cao lên.

Theo ông, nhập siêu không phải là "kịch bản tồi" đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Nhập khẩu là để tạo năng lực sản xuất, máy móc thiết bị công nghệ giúp cải thiện năng suất. Người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn khi có mặt của hàng hóa nhập khẩu.

Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam có sự cải thiện cán cân thương mại, xuất siêu liên tục.

Dù vậy, theo TS Phạm Tất Thắng, năm 2018, Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD nhưng đó chưa phải là xuất siêu bền vững. Khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD, xuất siêu diễn ra ở các doanh nghiệp FDI với 32,8 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất siêu nhưng lĩnh vực công nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu.

Bên cạnh đó, Việt Nam xuất siêu sang các thị trường lớn và hiện đại như Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường châu Á. Theo vị chuyên gia này, đây là vấn đề mà chúng ta chưa khắc phục được. Trong khi đó, kỳ vọng về nhập siêu của Việt Nam được đặt ở các công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất trong nước thay vì nguyên vật liệu cho gia công.

Theo các chuyên gia, nhập siêu có thể trở lại trong năm 2019. "Nhưng nhập siêu quá nhiều phản ánh nền kinh tế chủ yếu là tiêu dùng, không có đủ tích lũy cho đầu tư", TS Thành nói. Nhập siêu nhiều sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ, giảm dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng tới mục tiêu lạm phát và đời sống người dân.

Nguyên Phó Viện trưởng CIEM bày tỏ, nhập siêu nhưng phải giữ ở mức độ đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô, tránh gây ra bất ổn.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Bộ Công Thương báo cáo năm 2019 có thể nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, đảm bảo tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu ở mức dưới 2%.

Không đồng ý với kế hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu khoảng 2% là mức không thể chấp nhận”.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến