Dòng sự kiện:
152 tỷ đồng của PVcomBank tại Hoàng Gia: Liệu có ngày về?
13/05/2015 10:02:19
Viện Kiểm soát nhân dân tối cao vừa tống đạt cáo trạng đề nghị truy tố 6 bị can về tội "lừa đảo chiếm đoạt tải sản”, với số tiền lên đến 152 tỷ đồng. Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH kim loại Hoàng Gia và CTCP Kinh tế Hoàng Gia. Đối tượng bị lừa đảo là Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC - nay là PVcomBank).

Tin liên quan

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại CTCP Kinh tế Hoàng Gia, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Minh Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCK Kinh tế Hoàng Gia về hành vi này.

Từ khi thành lập, cả Công ty Kinh tế Hoàng Gia và Công ty Kim loại Hoàng gia đều do Hoàng Minh Hiệp quản lý, điều hành và quyết định mọi hoạt động kinh doanh.

Cơ quan điều tra xác định trong quá trình hoạt động, hai CTCP Kinh tế Hoàng Gia và Công ty TNHH kim loại Hoàng Gia đã ký hai hợp đồng tín dụng với PVFC Ngô Quyền để vay vốn.

Ngày 1/4/2011, Hoàng Minh Hiệp đại diện Công ty Kinh tế Hoàng Gia ký Hợp đồng tín dụng số 003/2011/HĐTD-HM/PVFC-KTHG với PVFC Ngô Quyền, hạn mức vay là 100 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản đảm bảo là thép và phôi thép cho các khoản vay tại các khế ước này, Công ty Kinh tế Hoàng Gia gửi tại kho Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam tại thị trấn An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình đều là không có thực (tài sản khống). Trong đó, các hợp đồng, biên bản xác nhận hàng hóa trong kho ký gửi giữa Công ty Kho vận Ngoại thương và dịch vụ với Công ty Shengli được lập khống (không có việc thuê kho và không có hàng hóa).

Ngày 21/12/2010, Nguyễn Thị Mão đại diện Công ty Kim loại Hoàng Gia ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 030/2010/HĐTD-HM/PVFC-KTHG với PVFC Ngô Quyền với hạn mức vay là 100 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo được gửi tại kho CTCP thép Châu Phong Animex ở An Dương (Hải Phòng) thực tế đã được Hoàng Minh Hiệp thế chấp cho các ngân hàng khác trước đó.

Để được giải ngân 2 hợp đồng tín dụng này, Hoàng Minh Hiệp chỉ đạo nhân viên dưới quyền thành lập 4 công ty gồm CTCP Phát triển hạ tầng và đầu tư Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Hải; CTCP Sản xuất đầu tư quốc tế và Công ty TNHH một thành viên sản xuất và đầu tư Sông Hồng nhằm lập các hợp đồng khống. Trên thực tế 4 công ty này không kinh doanh sản xuất gì.

Sau đó, Hoàng Minh Hiệp đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống 9 bộ hồ sơ đề nghị giải ngân tại PVFC Ngô Quyền bằng cách sử dụng pháp nhân của nhóm công ty ma trên với nội dung mua bán thép, làm giả các hợp đồng thuê kho bãi, biên bản xác nhận hàng hoá giả và xuất hoá đơn khống.

Khi cán bộ của PVFC Ngô Quyền đi kiểm tra, xác minh tài sản trước khi giải ngân, Hoàng Minh Hiệp đã cho người đưa đi kiểm tra các tài sản không phải của mình. Bằng thủ đoạn này, Hoàng Minh Hiệp đã lừa được PVFC Ngô Quyền giải ngân 183 tỷ đồng theo 9 khế ước nhận nợ.

Số tiền vay của PVFC, Hoàng Minh Hiệp đã dùng để trả nợ cho 5 ngân hàng khác (Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, NaviBank) với số tiền là 78 tỷ đồng và chi tiêu cá nhân.

Đến nay Hiệp Minh Hoàng còn chiếm đoạt của PVFC Ngô quyền với tổng số tiền là 152 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo cũng như không còn khả năng thanh toán cho khoản nợ trên.

Về phía PVFC, cơ quan điều tra kết luận PVFC đã không phát hiện được Hoàng Minh Hiệp làm giả hồ sơ và tính sở hữu đối với tài sản đảm bảo. Đồng thời, các quy định về quy trình kiểm tra tài sản đảm bảo của PVFC không chặt chẽ, không có quy định cụ thể về nghiệp vụ, cách thức, phương thức kiểm tra, việc kiểm tra do  các cán bộ khác nhau thực hiện theo một hình thức giống nhau, diễn ra từ các khế ước trước đây (đã tất toán) đến khi thực hiện giải ngân các khế ước đang còn dư nợ.

Tại thời điểm thực hiện hợp đồng tín dụng, PVFC hoạt động với mô hình công ty tài chính, có nhiều hạn chế về quản lý tài chính và tín dụng, không có tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại TCTD như đối với các ngân hàng dẫn đến việc không quản lý được dòng tiền.

Khi pháp hiện Hoàng Minh Hiệp thiếu hụt tài sản đảm bảo, PVFC đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế hậu quả và chủ động tố giác vi phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an. Do vậy, cơ quan điều tra không đề nghị khởi tố bị can đối với các nhân viên PVFC Ngô Quyền nói trên là có căn cứ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao, 6 bị can bị truy tố gồm Hoàng Minh Hiệp (41 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Kinh tế Hoàng Gia; Trương Ánh Điệp (35 tuổi), nguyên giám đốc Công ty TNHH kim loại Hoàng Gia; Nguyễn Thị Mai Hương (42 tuổi), nguyên phó tổng giám đốc CTCP Kinh tế Hoàng Gia; Đặng Ngọc Sơn (35 tuổi), nguyên nhân viên kinh doanh CTCP Kinh tế Hoàng Gia; Vũ Thị Thuận (33 tuổi), nguyên kế toán trưởng CTCP Kinh tế Hoàng Gia; Đinh Minh Ngọc (28 tuổi) nguyên kế toán Công ty TNHH kim loại Hoàng Gia.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến