Vụ ép 2020/2021 là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây.
Trong số 41 nhà máy của ngành mía đường thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản. Đây là thực trạng khá buồn được nêu ra tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2020/2021 và Hội nghị toàn thể hội viên năm 2021 do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức ngày 14/10 theo hình thức trực tuyến.
Diện tích và sản lượng mía sụt giảm nhiều
Niên vụ 2020/2021 ở một số địa phương người dân bỏ mía không chăm bón, tưới tiêu, dẫn đến năng suất, chất lượng mía giảm. Tuy vậy, diện tích mía tại một số cánh đồng lớn của các nhà máy đường vẫn được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, vẫn cho hiệu quả kinh tế cao, duy trì được năng suất, chất lượng mía. Các nhà máy cũng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tưới tiêu mía, áp dụng kỹ thuật tưới mới như tưới phun, tưới nhỏ giọt...
Theo báo cáo của VSSA, vụ ép 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy đường chỉ đạt 6.739.417 tấn mía (so với dự kiến đầu vụ 7.498.060 tấn của các Nhà máy đường). Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000).
Sản lượng đường sản xuất toàn niên vụ 20/21 là 901.230 tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là 689.830 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (211.400 tấn), giảm 78.124 tấn, tương đương 10,17% so với vụ trước.
Số lượng nhà máy hoạt động trong niên vụ vừa qua thấp nhất từ trước tới nay, chỉ còn 24 nhà máy hoạt động. Trong khi trước đây, toàn ngành mía đường có 41 nhà máy, như vậy đã có 17 nhà máy phá sản hoặc không còn hoạt động.
Phân tích về nguyên nhân sụt giảm sản lượng mía nguyên liệu, VSSA cho rằng do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Hơn nữa, giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại.
Báo cáo của VSSA nêu rõ, mặc dù, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/02/2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía từ mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 – 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng, nhằm khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích trồng mới, từng bước khôi phục diện tích mía vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, do đây mới là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành lại rơi vào giai đoạn cuối vụ, giữa mùa khô, không còn phù hợp cho việc trồng mới ở đa số vùng nguyên liệu, ngoài ra ở thời điểm này, cũng không còn nhiều nguồn hom giống và quỹ đất để trồng mới, nên không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021/2022.
5 nhiệm vụ trong tâm trong niên vụ mới
Tại hội nghị, đại diện của nhiều nhà máy đường bức xúc nêu tình trạng: Do diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng.
Trong đó, gay gắt nhất là ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc “cho chữ”, “cho tạp chất”, “cho cước,…” của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu.
TS. Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, niên vụ 2021/2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Trong khi, cân đối cung cầu đường thế giới dự báo sẽ thiếu hụt gần 2,7 triệu tấn đường, khiến cho giá đường thế giới tăng cao.
Vụ chế biến 2021/2022, dự kiến sẽ chỉ còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2020/2021. Số liệu tổng hợp từ kế hoạch sản xuất niên vụ 2021/2022 của các nhà máy đường như sau: diện tích mía thu hoạch 148.196 ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 8.599.409 tấn. Năng suất mía dự báo sẽ đạt 66,5 tấn/ha, với chữ đường bình quân 10,3 CCS. Sản lượng đường niên vụ 2021/2022 dự báo sẽ đạt 873.283 tấn.
Chính tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp thành viên của VSSA đã thống nhất cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong niên vụ tới và các năm tiếp theo.
Một là, củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Trong đó quan trọng nhất là nông dân và nhà máy đường phải cùng nhau thỏa thuận, thiết lập được hệ thống chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, theo một tỷ lệ nhất định (70:30 hay 65:35), nhằm đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.
Hai là, cần phải minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân để yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất mía.
Ba là, tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân với hộ nông dân, hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.
Bốn là, xây dựng các nguyên tắc để thống nhất trong Hiệp hội VSSA về các biện pháp đối phó với hiện tượng những nhà máy tranh mua mía được đầu tư bởi nhà máy khác. Cần xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa: với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng.
Năm là, phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Vì vậy, cần thiết lập hệ thống theo dõi thu thập các thông tin về diễn biến thị trường và các hoạt động gian lận thương mại để kịp thời cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại.
Tác giả: Chu Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy