Dòng sự kiện:
2015: Thu hồi tiền tham nhũng chỉ đạt 55,8%
29/10/2015 15:26:43
ANTT.VN - Chủ đề chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 28-10, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Tin liên quan

Không để quan tham “hi sinh đời bố, củng cố đời con”

Trong phiên thảo luận, chống tham nhũng trở thành chủ đề nóng trên nghị trường. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng tình hình, chưa đáp ứng đòi hỏi cấp bách của dư luận xã hội.

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho thấy: Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887mđất; trong đó, thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 mđất (đạt 29,2%).

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Ông Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét, ra nghị quyết, quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để tòa án xem xét khi lượng hình. Không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi chưa đạt 100%.

Không để quan tham thực hiện ý định “hi sinh đời bố, củng cố đời con” – ông Nghĩa nói.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Tỉ lệ tài sản thu hồi càng ít thì xử mức án càng cao. Chỉ như vậy mới có tác dụng răn đe, buộc tội phạm tham nhũng phải nộp lại tài sản đã chiếm đoạt cho Nhà nước nhằm được hưởng mức án nhẹ.

Đồng thời, cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho Nhà nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng chống tham nhũng phải quan tâm đến việc thu hồi tài sản.

Ông Nghĩa nêu ví dụ: tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng âm vào tiền gửi của dân, Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua 0 đồng, đồng thời gánh những khoản nợ đó, nếu vài năm tới không thể xóa lỗ thì Nhà nước phải trả số tiền này.

“Cử tri cho rằng việc gánh nợ cho mấy ông tham nhũng, dù cần thiết nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường.

Biết là có Nhà nước gánh nợ nên người gửi tiền yên tâm, nhưng những người không gửi tiền vào các ngân hàng thua lỗ ấy thì họ không chịu, vì ngân sách cũng là tiền thuế của họ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.           

Phải chăng đến 2018 mới thực sự bắt đầu chống tham nhũng?

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: công tác chống tham nhũng của các đơn vị chuyên trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản để phát hiện tham nhũng.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong một số vụ án còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc xử lý kéo dài; tỷ lệ giải quyết án tham nhũng của các cơ quan tư pháp trung ương còn thấp.

Tỉ lệ này ở Cơ quan điều tra Bộ Công an đạt 45,8%; Viện kiểm sát tối cao đạt 64,3% và do Viện kiểm sát tối cao ủy quyền công tố đạt 46,2%.

Đại biểu Trần Đình Nhã nêu thực trạng: Nếu nói lâu nay chống tham nhũng đang ở giai đoạn “phòng ngự, cầm cự” thì cử tri sẽ hỏi bao giờ phản công, sao lại cầm cự mãi thế?

Ông Nhã nêu lên các câu hỏi và tự trả lời, phải chăng đến năm 2018 khi đạo luật phòng chống tham nhũng hiện nay được sửa đổi và có hiệu lực thì chúng ta mới phản công?

Hiến kế cho Quốc hội, đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng có nhiều giải pháp các nước đã áp dụng mà ta chưa dám làm, ví dụ như hình sự hóa tội làm giàu bất chính.

“Anh giàu lên thì phải chứng minh tài sản do đâu mà có, nếu không chứng minh được thì chúng tôi cho đó là tham nhũng. Singapore, Hong Kong... đã áp dụng những giải pháp này rất hiệu quả” - ông Nhã nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thì khẳng định kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp quan trọng nhất mà các nước dùng để chống tham nhũng, Việt Nam cần sớm đưa đề án kiểm soát tài sản, thu nhập vào áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu ý kiến nghe như một lời than: “Bao nhiêu tiền tham nhũng không thu hồi được, hay là những công trình xây dựng để hoang lãng phí những năm qua, để cho đến hôm nay ngân sách trở nên khó khăn không thể nâng lương cho người lao động theo lộ trình, …”

P.V

 

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến