Dòng sự kiện:
2020 với những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật
25/12/2020 09:31:36
Covid-19 và kỳ tích khống chế đại dịch; Thiên tai gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, miền; GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng... là những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2020.

Đại dịch Covid-19 và kỳ tích khống chế ở Việt Nam

1 tháng sau khi dịch Covid-19 từ Vũ Hán bắt đầu lan rộng ra thế giới, ngày 23/1, 2 ca nhiễm nCoV đầu tiên xâm nhập Việt Nam, là cha con du khách Trung Quốc. Nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang tiếp xúc với hai cha con, trở thành bệnh nhân Covid-19 người Việt đầu tiên.

Trong 1 tuần, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) được thành lập, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", Ban chỉ đạo đã triển khai hàng loạt biện pháp nhanh và mạnh theo phương châm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm nhất; cách ly ngay lập tức; khoanh vùng thật gọn; dập tắt triệt để.

Cuối tháng 1, Bộ đội biên phòng được tăng cường trên toàn tuyến biên giới đất liền để kiểm soát người nhập cảnh, đặc biệt là đường mòn, lối mở. Gần 1 năm qua, biên phòng duy trì trên 1.600 chốt với hơn 7.000 chiến sĩ, xử lý 20.200 người nhập cảnh trái phép.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ. Từ 1/4 đến cuối tháng, Việt Nam cách ly toàn xã hội.

Cuối tháng 7, Đà Nẵng cách ly toàn thành phố. Bên cạnh đó, cách ly quy mô cấp phường, xã cũng được áp dụng tại Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)... 5 hình thức cách ly người nguy cơ lây nhiễm được áp dụng, trong đó chủ yếu là cách ly tại cơ sở do Bộ Quốc phòng quản lý. Lúc cao điểm như cuối tháng 4, quân đội tiếp nhận gần 60.000 người trong các khu cách ly.

Cuối tháng 3, Chính phủ dừng nhập cảnh với người nước ngoài; đầu tháng 4, dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước.

Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào "cuộc chiến" chống dịch bệnh như xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng cảnh báo người tiếp xúc gần với F0 (Bluezone)... Việt Nam cũng nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine Covid-19 có tên Nanocovax, thử nghiệm trên người vào tháng 12.

Mưa lũ gây thiệt hại lớn trên nhiều vùng ở miền Trung

Lũ lụt miền Trung được xem là đợt lũ lụt lịch sử mới với mức báo động IV, cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam.

Chỉ trong tháng 10 và 11/2020 có tới 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây.

Vụ sạt lở ở Rào Trăng khiến nhiều công nhân mất tích và 13 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong quá trình cứu hộ cứu nạn

Mưa lũ kéo dài gây sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; động đất ở Mường Tè (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La)… cũng gây tổn thất lớn về người và tài sản.

Trong năm, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 38.400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31.700 tỷ đồng. Những diễn biến bất thường của khí hậu cũng đặt ra khuyến cáo cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với rừng phòng hộ, các công trình thủy điện...   

GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng

Năm 2020, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do đại dịch COVID-19 thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP), dự kiến đạt 2,5 - 3%. Thành công này có được nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

 Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam trở thành sáng lập viên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP là 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Việt Nam làm chủ tịch ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì điều hành Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, ngày 12/11. Ảnh: Quang Hiếu

Việt Nam tiếp quản chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 đúng thời điểm đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng "tứ bề" và cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung, tăng cao. Dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề Gắn kết và chủ động thích ứng, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

ASEAN đã nhanh chóng thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác. ASEAN cũng ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, tuyên bố riêng đầu tiên về chủ đề hoà bình và an ninh khu vực.

Đặc biệt, việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán được cho là thành công lớn của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

"Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11/12.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025

Chuỗi sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2020 mở đầu bằng đại hội đảng bộ cơ sở hồi tháng 4, đi tiếp đến đại hội đảng bộ cấp huyện, hoàn thành trong tháng 8. Cuối cùng là đại hội 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 3.330 người vào Ban chấp hành khóa mới, trong đó 1.084 nhân sự tham gia lần đầu.

Đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh đã có sự chuyển giao thế hệ với nhiều lãnh đạo trẻ, trong đó 28 bí thư Tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, chiếm 43%. Tại Thanh Hóa, cả bí thư và ba phó bí thư Tỉnh ủy đều thế hệ 7X. Độ tuổi bình quân của cấp ủy là 48,82, thấp hơn nhiệm kỳ trước 1,07 tuổi.

Kết quả bầu cử cũng ghi nhận nhiệm kỳ đầu tiên có số nữ bí thư Tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay, 9 người, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước. Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tăng mạnh với 27 người, đạt khoảng 42%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 51 người, đạt 78%, cao hơn nhiệm kỳ trước gần 14%.

Ban Tổ chức Trung ương đánh giá công tác nhân sự "nhận được sự thống nhất cao, ít đơn thư khiếu kiện hơn so với các nhiệm kỳ trước". Công tác chuẩn bị văn kiện được nâng chất lượng, "nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá".

67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự kiến diễn ra vào quý I/2021.

Hàng không tê liệt, du lịch thua lỗ nặng nề

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530 nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án giao thông lớn được khởi công

Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: ACV

Trước đó, hồi tháng 9, ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam khác, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, đồng loạt khởi công, đánh dấu bước tiến đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam dài 654 km. Ba dự án với tổng vốn trên 35.000 tỷ đồng được Quốc hội quyết định chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công vào tháng 6 và được triển khai "thần tốc, chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông" - chỉ sau hai tháng chuẩn bị.

Theo kế hoạch, các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành vào năm 2023, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Hà Tĩnh còn khoảng 5 giờ (thay vì 7-8 giờ hiện nay); từ TP HCM đến Nha Trang còn 4-5 giờ (thay vì 8-9 giờ). Các dự án cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh, thành nơi tuyến đường đi qua.

Nửa đầu năm, nhiều dự án quy mô lớn khác cũng được xây dựng như cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023; hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước 31/12...

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD) dự kiến khởi công những ngày cuối năm 2020, sau 20 năm chuẩn bị. Sân bay Long Thành có mục tiêu trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Dự án sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp; vốn ngân sách chi trả công tác giải phóng mặt bằng.

Ngân hàng bơm hơn 800 ngàn tỷ đồng ra thị trường

Ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 10,14%. Tính từ đầu năm tới nay, ước tính đã có hơn 831.000 tỷ đồng được hệ thống ngân hàng bơm ra thị trường qua kênh tín dụng. Dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình mưa lũ, thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, NHNN vẫn điều hành tín dụng với tốc độ tăng trưởng phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Tín dụng chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt với dòng tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Đến nay, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; Giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các ngân hàng đã cho vay với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Bảo Khánh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến