ANTT.VN - “Phải là người trong cuộc mới nói được như vậy! Chuyện người con đi tìm hài cốt và viết về cha mình là một điều cảm động. Hình như trên đất nước này chưa mấy ai làm được …”. Đó là lời chia sẻ hết sức chân tình từ thiếu tướng – nhà văn Khổng Minh Dụ đối với Minh Vân – đứa con hiếu thảo và can trường của nhà tình báo Đào Phúc Lộc.
Tin liên quan
Trong khán phòng chật kín, mọi ánh mắt đều hướng về một con người nhỏ bé đang lần tìm những kí ức, ngậm ngùi rơm rớm mặc nước mắt kể lại câu chuyện về hành trình tìm kiếm cha qua 23 năm cùng cuộc đời đầy thăng trầm của mình.
Bà Minh Vân vui mừng xúc động khi gặp lại những nhân vật trong hành trình 23 năm tìm kiếm hài cốt cha (ảnh: Hoàng Hà)
Những bức tâm thư
Dòng tâm sự của đứa con bản lĩnh, tài hoa ghi lại trong cuốn sách “Không thể mồ côi” như ANTT.VN đã giới thiệu với bạn đọc khiến nhà văn Nguyễn Đăng An phải thốt lên: “Hơi thô thiển một chút (có lẽ do nghề nghiệp) khi tôi dùng hình ảnh này để nói về chị. Tôi thấy chị giống như võ sĩ quyền anh nghiệp dư buộc phải lên võ đài. Đối thủ của chị là giông bão cuộc đời. Nó dồn ép, đấm đá chị tơi bời trong đó có nhiều cú nốc ao khiến chị phải đổ máu. Nhưng chị đã không gục ngã. Chị vẫn đứng lên và chiến thắng…”.
Nhà Văn Nguyễn Đăng An chia sẻ dòng cảm xúc của mình tại buổi gặp mặt bà Minh Vân (ảnh: Hoàng Hà)
Cuốn sách dày hơn 400 trang được bà Minh Vân túc tắc đánh bằng bốn ngón tay, mà bà kể “rảnh lúc nào thì đánh, nhớ đến đâu đánh đến đó” đã làm lay động nhiều trái tim, đặc biệt là những người đi ra từ khói lửa chứ không chỉ riêng gì nhà văn Nguyễn Đăng An.
Là chiến sĩ tình báo hoạt động dưới sự chỉ huy của anh hùng Đào Phúc Lộc, nhà văn Khổng Minh Dụ bần thần trong niềm vui bất ngờ: “Tôi hết sức may mắn vì hôm nay được biết kĩ hơn về tác giả Minh Vân. Cầm bút thời chiến trường, bác Hoàng Minh Đạo (tức Đào Phúc Lộc) lúc đó là cấp trên của tôi, tôi không đủ điều kiện để viết. Không ngờ hôm nay được gặp con của người mình đang tìm hiểu. Tôi chưa đọc cuốn sách, mới chỉ lướt qua, nhưng rất mừng vì có nhiều tư liệu hay. Phải là người trong cuộc, mới nói được như vậy! Chuyện người con đi tìm hài cốt và viết về cha mình là một điều cảm động. Hình như trên đất nước này chưa mấy ai làm được. Việc tìm hiểu, sưu tập trong suốt quá trình cống hiến của cha mình để viết là rất khó …”.
Chính những con người cụ thể, những đồng đội cụ thể, những vị tướng đã lôi bà đi suốt 23 năm: “Họ đã đem cả tính mạng để bảo vệ mạng sống của bố tôi, trong khi tôi chẳng làm được điều gì”.
Câu chuyện đi tìm cha của bà Minh Vân gặp không ít những khó khăn, có cả những người thân cận nhiệt tình giúp đỡ, có cả điều trái chiều mang ý xấu: “Không biết cái con này nó định làm trò gì, không biết là nó lục tìm tài liệu của bố nó để làm trò gì đây…?”. Vượt qua tất cả, viết lên những trang giấy, bà thấy cuộc đời của biết bao con người đẹp đến thế! Rồi bà tâm sự: “Thậm chí có những người sau chiến tranh người ta chỉ làm vá xe thôi, nhiều người không biết do mất liên lạc và bị nghi ngờ, có những người sau này là Việt Kiều nhưng nghe tin bố tôi họ đi từ nước ngoài về để tìm bằng được mộ bia, cúng cho người thủ trưởng cũ”. Tất cả đã tạo cho bà suy nghĩ: “Chính những con người vĩ đại như vậy, tại sao lại không viết, không nói lên”.
Cuộc gặp gỡ đầy cảm động, không ai giấu nổi niềm phấn khởi vì được ôn lại kỉ niệm, được tận mắt nhìn thấy đứa con gái của một nhà tình báo vĩ đại, tận tai nghe lời kể cả một quá trình dài tìm kiếm hài cốt người cha quá cố, đại tá Ngô Tuấn Long – nguyên thư kí của đồng chí Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chia sẻ: “Trên đời này không biết anh Đạo thiêng hay không thiêng nhưng đã sinh ra được đứa con rất hiếu thảo. Tất cả những gì nó biết về cha nó, nó phải lùng sục tư liệu từ lúc nó đẻ ra cho đến khi được gặp tất cả các bác, các chú, các anh, các chị làm công tác cùng cha nó. Anh Đạo được phong anh hùng không thể không nói đến công sức của đứa con gái này”.
Hành trình 23 năm
Ngay tại buổi họp báo, bà Minh Vân không ngần ngại chia sẻ những kỉ niệm vui buồn rớt nước mắt trong hành trình chắp nối để vẽ nên hình tượng người cha mà bà đã kể: “…cho đến tận năm 16 tuổi tôi mới được biết tên thật của bố là Đào Phúc Lộc, (tức Hoàng Minh Đạo). Trước đó tôi không hề biết…”.
Trong niềm nghẹn ngào, bà say sưa: “Người đầu tiên nhắc đến bây giờ tôi vẫn chảy nước mắt, đó là chú Sáu Linh, thời chống Pháp là Trưởng Ban quân báo và tình báo của khu 8 Nam Bộ. Khi tôi tìm đến chú, chú đã mù cả hai con mắt. Bước vào nhà tôi có nói: cháu tên là Minh Vân, con bố Hoàng Minh Đạo. Câu đầu tiên chú nói “Sao cháu đến muộn thế? Chú mù rồi nên không biết cháu có giống bố không?”. Và sau đó chú đưa ra hai câu: Thứ nhất, cháu phải đưa chú ra mộ bia của cha khi nào chú thắp hương cho thủ trưởng của chú thì chú mới nói chuyện với cháu. Thứ hai, cháu cho chú sờ vào mặt của cháu. Chú vuốt hết mặt tôi, hai xương hàm rồi thốt lên: đúng con Hoàng Minh Đạo rồi! (khóc) …”. Rồi đến chuyện cô Việt Kiều là thư kí của cha bà…
Bà Minh Vân tại buổi họp báo ngày 23/12/2015 (ảnh: Hoàng Hà)
23 năm cuộc đời của những con người đặc biệt cứ lôi cuốn bà đi. Bà cho rằng: “Cha tôi muốn chứng minh không phải mình cha tôi có chiến công, không phải mình cha tôi có thành tích mà biết bao con người xung quanh cha đều vĩ đại như cha nhưng không ai được nhắc đến và không ai được nói đến. Tâm linh của cha tôi muốn làm như vậy!”.
Nói về ngành tình báo, bà cho biết các các con đều không theo ngành của ông ngoại, riêng bà thì vẫn được me Kíu gọi là “gà tồ” nên không thể theo nghiệp cha. Song bà nhận thấy rằng những người hoạt động trong quân báo đều có chung đặc điểm : “đó là những người có tố chất rất đặc biệt, là những người can trường, chịu đựng ngay cả trong thời gian hoạt động và chịu đựng sau khi đất nước đã giải phóng,và không bộc lộ những suy nghĩ của mình ra bên ngoài”.
Như vậy, cuốn “Không thể mồ côi” do bà Minh Vân viết không bởi câu chuyện kể mà chính cuộc đời bà đã làm cho độc giả ngưỡng mộ. Đó là hành trình 23 năm tìm nguồn cội người cách mạng của mình đã bị luồng thông tin bóp méo, trả lại danh dự cho người đã hiến dâng, hi sinh vì dân tộc.
Hoàng Hà